Dân chờ đường, nhà thầu chờ mặt bằng
Những ngày giữa tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại công trình thi công cầu Thanh Nam (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).
Theo ghi nhận, phần cầu Thanh Nam và phần đường đầu cầu phía bờ Thanh Nam (giao với ĐT.541) có chiều dài khoảng hơn 1,5km đã hoàn thành từ năm ngoái.
Trong khi đó, đường đầu cầu phía thị trấn Con Cuông (giao với QL7A) dài 180m, một thời gian dài, có 3 hộ dân thuộc diện di dời và 38 ki-ốt kinh doanh của chợ thị trấn vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Vì vậy, cầu đã làm xong nhưng xe cộ chưa thể lưu thông qua lại.
Một cán bộ của Công ty Delta (đơn vị thi công dự án) cho biết: Mới đây huyện đã làm thủ tục bàn giao được phần đất của 3 hộ nói trên. Ngay lập tức, đơn vị đã huy động phương tiện, máy móc triển khai thi công ngay.
Vị này cho biết, dự kiến trong một tháng, đơn vị sẽ thi công xong phần đầu cầu đoạn qua 3 hộ dân, làm kè và tường chắn qua đoạn này.
“Cầu Thanh Nam thi công xong đã hơn 1 năm nay, nhưng đến nay đường đầu cầu phía thị trấn vẫn tắc, chưa có mặt bằng, ảnh hưởng không nhỏ tới người dân. Rất mong địa phương sớm bàn giao để đơn vị hoàn tất dự án. Nếu có mặt bằng, chỉ trong vòng 3 tháng chúng tôi sẽ hoàn thành đoạn còn lại”, vị cán bộ công ty cho biết.
Trong khi nhà thầu nằm chờ mặt bằng, thì người dân địa phương cũng trông mong dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Lê Cao Hồng (60 tuổi, ở thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê) cho biết, gia đình ông có 1ha rừng và 4 sào đất trồng hoa màu. Đến ngày mùa, keo tràm và nông sản làm ra muốn bán cũng khó vì xe tải lớn không đi vào được.
Gần đấy có cầu treo Thanh Nam nhưng cầu hạn chế tải trọng 8 tấn. Các xe tải trọng lớn muốn đi vào chỉ có có cách duy nhất vòng theo đường dân sinh trong làng, đi xuống xã Thạch Ngàn (tiếp giáp với huyện Anh Sơn), cách đó cả chục cây số.
“Chưa nói chuyện xe tải trọng lớn ra vào, nhà tôi nằm ở bên kia cầu, nếu đường thông, đi mấy bước là sang đến chợ. Thế nhưng giờ đường chưa thông, muốn đi chợ phải vòng lên đường cầu treo Thanh Nam, dài thêm hơn 4km. Vì vậy, người dân rất mong mỏi dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Hồng nói.
Một tháng nữa sẽ bàn giao mặt bằng
Không chỉ người dân, chính những chủ ki-ốt thuộc diện giải phóng mặt bằng nhường đất cho dự án cũng mong huyện sớm có giải pháp để các tiểu thương an tâm kinh doanh buôn bán.
“Nhà tôi thuê 2 ki-ốt ở chợ với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Năm ngoái, nghe tin ki ốt của mình thuộc diện phải di dời để làm đường, để việc kinh doanh không bị gián đoạn, gia đình đã đi thuê 1 cửa hàng gần đấy với giá 2,5 triệu/tháng.
Thế nhưng, từ năm ngoái tới giờ nói di dời vẫn chưa thấy đâu. Mới đây huyện nói tháng 6 sẽ di dời, nhưng nay đã gần hết tháng 8 vẫn chưa nhúc nhích. Việc kinh doanh vốn đã khó khăn, lại phải chi trả tiền thuê 2 cửa hàng cùng lúc nên càng khó khăn”, chủ cửa hàng Thanh Phúc than thở.
Một chủ ki ốt ngay bên cạnh cũng chia sẻ: “Trước sau gì cũng phải đi, chỉ mong huyện bố trí chỗ kinh doanh buôn bán phù hợp để người dân chúng tôi có chỗ kinh doanh chứ ruộng đồng không có, cả nhà trông chờ vào cửa hàng ở chợ đắp đổi qua ngày”.
Ông Phạm Trọng Bình – Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Về quy định, sau khi giải phóng 38 ki-ốt để làm đường đầu cầu Thanh Nam thì chợ thị trấn không còn đúng nghĩa là chợ nữa vì không đủ diện tích cho phép hoạt động.
Vì vậy, về nguyên tắc là phải lập chợ mới, huyện đã có quy hoạch. Dù vậy, quan trọng là phải có nhà đầu tư hoặc xây dựng theo hình thức xã hội hóa.
“Bà con tiểu thương đa phần không có ruộng vườn, việc làm khác cũng không có, chủ yếu sống bám vào chợ. Bà con đều đồng tình nhường đất cho dự án nhưng xin huyện có thêm hỗ trợ khác trong thời gian ngừng kinh doanh. Nhưng huyện cũng không có tiền và cũng không có quy định nào cho việc hỗ trợ này”, ông Bình nói.
Vì vậy, giải pháp đưa ra là huyện cho xây dựng thêm một dãy ki-ốt ở phía bắc chợ hiện tại để các tiểu thương chuyển vào vị trí mới. “Hiện tại huyện đang chờ công an tỉnh thông qua phương án phòng cháy chữa cháy. Nếu được, một tháng nữa huyện sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công”, ông phó chủ tịch huyện cho biết.
Trong đó, đường đầu cầu phía bờ thị trấn (giao với QL7A, đoạn chưa kết nối) dài khoảng 180m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m.
Đường đầu cầu phía bờ Thanh Nam (giao với ĐT.541) có chiều dài khoảng 1,6km, là đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m.
Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông làm đại diện chủ đầu tư.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cau-166-ty-xay-xong-hon-1-nam-nhung-van-chua-co-duong-de-di-192240820140932713.htm