Sau khi được UNESCO công nhận, danh hiệu Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng như một “cú huých” đưa ngành du lịch tỉnh Cao Bằng phát triển khá nhanh.
Lựa chọn không phát triển, tăng trưởng “nóng”, tỉnh Cao Bằng đã và đang đồng bộ thực hiện các giải pháp phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị Công viên địa chất.
Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. |
Phát triển du lịch
Tỉnh Cao Bằng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp và nổi tiếng. Nhưng trước năm 2018, do một số hạn chế về kết nối giao thông, tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách; cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, lượng khách du lịch đến tỉnh Cao Bằng chưa nhiều.
Đến năm 2018, việc đạt danh hiệu Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, như lời quảng cáo “có cánh” với du khách về những cảnh đẹp nên thơ nơi biên cương Tổ quốc.
Nhiều du khách nước ngoài, trong nước đã biết đến, tò mò, mong muốn khám phá và đã ‘xách ba lô” lên đường đến với Cao Bằng.
Năm 2017, tỉnh Cao Bằng đón hơn 860 nghìn lượt khách, trong đó, có gần 60 nghìn du khách quốc tế.
Đến năm 2019, tỉnh Cao Bằng đón 1 triệu 549 nghìn lượt khách. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 480 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng bước vào thời gian trầm lắng.
Nhưng ngay sau đại dịch, lượng du khách đã tăng bật trở lại, năm 2023, địa phương đã đón hơn 1,9 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.330 tỷ đồng.
Du khách tham quan thác Bản Giốc. |
Đến nay, với những di tích lịch sử cách mạng thiêng liêng, hào hùng; những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần, đỉnh Phja Oắc…; cùng bản sắc văn hóa đậm đà của đồng bào các dân tộc nơi đây, Cao Bằng đã trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Phát triển gắn với bảo tồn
Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng bao gồm hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành hơn 500 triệu năm của trái đất, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683km2.
Rừng trúc Bản Phường, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. |
Đến nay, trong Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng đã hình thành 4 “tuyến đường trải nghiệm”, mang lại cho du khách nhiều lựa chọn để tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Trong đó, tuyến du lịch cụm phía bắc “Hành trình về nguồn cội”, là tuyến du lịch tập trung ở 2 huyện Hòa An và Hà Quảng – miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Điểm nhấn của tuyến này là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích Lịch sử Kim Đồng.
Tại huyện Hà Quảng, có hóa thạch cúc đá (nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm), có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng.
Du khách yêu thích du lịch sinh thái, có thể đến với tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay”.
Khám phá rừng trúc Bản Phường, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Video: Khiếu Minh. |
Nơi đây có 16 điểm tham quan nổi bật, trong đó có Khu du lịch sinh thái Phja Oắc-Phia Đén, nơi được ví như “Đà Lạt” của Cao Bằng vì khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp.
Đến rừng trúc Bản Phường, xã Thành Công, du khách có thể sẽ bị “mê mẩn, lạc lối” trong xanh biếc rừng trúc, với “sóng” trúc dạt dào, cao vút.
Trong tuyến du lịch cụm phía tây còn có đỉnh Phia Oắc cao 1.931m, “trắng trời băng tuyết” mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao.
Đỉnh Phja Oắc trong những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao. |
Tuyến du lịch phía đông tỉnh Cao Bằng “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” đang là tuyến du lịch thu hút đông khách nhất khi du khách đến với Cao Bằng
Nơi đây có thác Bản Giốc, được coi là một trong 4 thác nước lớn và đẹp nhất thế giới (trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia).
Trong tuyến còn có các thắng cảnh như núi Mắt Thần, hồ Thang Hen; động Ngườm Ngao, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Trong tuyến du lịch “Một thời hoa lửa” thuộc địa bàn thành phố Cao Bằng, 2 huyện Quảng Hòa và Thạch An, gắn liền với Chiến thắng chiến dịch Biên giới năm 1950, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Điểm nhấn của tuyến này là núi Báo Đông – nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An chia sẻ, với những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, tỉnh Cao Bằng chủ trương phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch bản sắc, chất lượng.
Trong đó, địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại trên địa bàn.
Trang phục của phụ nữ đồng bào Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng. |
Các dự án, đề tài, sưu tầm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ.
Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ; nghiên cứu nghi lễ đám cưới của người Lô Lô; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học nghi lễ Then của người Tày… đã và đang bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân ca, dân vũ, trang phục của đồng bào các dân tộc.
Nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ giá trị của Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cũng đã thành lập các Câu lạc bộ Cùng em khám phá Công viên địa chất tại các trường học, với nhiều hoạt động phong phú nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị cảnh quan, môi trường và bản sắc văn hóa.