Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm do dòng tiền bị siết chặt, những khu vực từng là điểm nóng về sốt đất ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng… đang ghi nhận sự sụt giảm cả về giá bán lẫn lượt quan tâm của giới đầu tư.
Các phòng công chứng nhà đất ở khu vực Bảo Lâm, Bảo Lộc (Lâm Đồng); Quảng Khê, Gia Nghĩa (Đắk Nông) thời điểm này khá vắng vẻ, không đông đúc như 2 năm trước. Chuyên viên các phòng công chứng cho biết khách hiện nay chủ yếu hoàn tất hồ sơ cũ và chỉ một số giao dịch công chứng đất có diện tích vừa phải, giá trung bình chỉ 1-4 tỉ đồng chứ không có mảnh nào giá 20-30 tỉ đồng như trước.
Chị Thúy Hiền (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chuyên làm môi giới mua bán đất ở các khu vực nói trên cho biết từ tháng 5 đến nay, giao dịch đất vườn, đất ven sông hồ hết sức trầm lắng, không còn nóng sốt như 2 năm trước. Thông tin mua bán chị đăng trên các chợ nhà đất gần như không có ai hỏi han. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều chủ đất cần tiền trả nợ đã chấp nhận bán lỗ những mảnh đất “đẹp” mà trước đây họ phải giành giật mới mua được.
Dù vậy, không phải cứ giảm giá là có người mua. Điển hình như mảnh đất vườn có 3 mặt tiền đường đất rộng 1 ha ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã có quy hoạch lên thổ cư, năm ngoái chủ đất định bán hơn 3 tỉ đồng nhưng nay cần tiền nên chấp nhận bán với giá 2,6 tỉ đồng. “Có vài người hỏi nhưng chỉ trả 2 tỉ đồng, vì thế chủ đất chưa chịu bán” – chị Hiền nói.
Thời gian qua giới đầu tư bất động sản từ khắp nơi đổ về khu vực Tà Đùng (Đắk Nông) vì quan tâm đến đất vườn
Ông Bùi Công Bằng là một “cò đất” có tiếng ở khu vực Quảng Khê, Tà Đùng, Đắk Nông nhưng mấy tháng nay ông về hẳn lại TP HCM vì ế khách. “Trước đây, một clip giới thiệu đất của tôi đăng lên YouTube, TikTok là khách hàng khắp nơi liên hệ hỏi thăm và nhờ dẫn đi xem đất. “Những tháng cao điểm tôi bán 9-10 miếng đất, sau đó giảm dần, tới nay chỉ còn khách nhờ tìm người bán rẻ vì kẹt vốn. Thỉnh thoảng mới có người cầm tiền thật hỏi mua đất đầu tư lâu dài hoặc làm nơi nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái…” – ông Bằng kể.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, chỉ có những người cần tiền gấp bán tháo bất động sản chứ những người không cần tiền gấp thì vẫn giữ giá cao, không chịu giảm.
Trong khi đó, bà Thảo Nhật nhà ở khu vực xã Quảng Khê, gần khu Tà Đùng cho biết 2 năm qua, khi đất khu vực này lên cơn sốt, bà liên tục mua gom đất theo kiểu “lướt cọc” để kiếm tiền nhanh. Lúc đỉnh điểm bà rủ thêm bạn, người thân hùn “ôm” một lúc 4-5 mảnh đất. Thế nhưng thị trường xuống quá nhanh nên bà Nhật phải bán tháo bằng mọi giá nếu không sẽ vỡ nợ.
Ông Nguyễn Thanh, cũng ở khu vực Quảng Khê, vừa kêu bán căn nhà vườn có view “săn mây” rất đẹp, gần hồ Tà Đùng với giá chỉ 2/3 so với lúc đỉnh điểm mà chưa có khách mua. “Năm ngoái, mua đất xong tôi đã đầu tư điện, nước và làm nhà, xây hồ cá… làm xong có khách đến trả gần 7 tỉ đồng nhưng tôi không bán, đến giờ cần tiền quá tôi đành bán giá rẻ 4 tỉ đồng để trả nợ” – ông Thanh cho biết.
Không chỉ giao dịch đất cá nhân trầm lắng mà mua bán đất của các doanh nghiệp cũng rất ảm đạm. Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quỹ Đất Lớn (đã triển khai đầu tư một số khu dân cư dạng homestay ở khu vực Bảo Lộc – Lâm Đồng), cho biết thanh khoản hiện giảm tới 70%-80%, trước đây mỗi tuần công ty ông đưa khoảng 30-35 khách từ các nơi lên xem dự án thì hiện nay có khi 2-3 tuần mới có vài khách đi. “Họ chủ yếu đi thăm dò thị trường là chính chứ không xuống tiền nhanh như trước đây” – ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, vì dự án của công ty ông triển khai có sổ từng nền, có thổ cư nên còn được khách quan tâm chứ những khu xa xôi hẻo lánh gần như không có khách tới. “Do thị trường trầm lắng, công ty phải trồng thêm hoa, cảnh quan để thu hút khách tham quan, nếu không sẽ rất khó ra hàng trong giai đoạn dòng tiền hạn hẹp như hiện nay”.
Cân nhắc trước khi “xuống tiền”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cá nhân, cho rằng 2 năm trước, khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì nhu cầu trú ẩn an toàn, sống xanh rộ lên làm nảy sinh xu hướng đầu tư đất vườn rầm rộ ở các tỉnh, nhiều người đổ xô sang các địa phương lân cận TP HCM để tìm mua đất, từ đó đẩy giá đất ở các địa phương lên cao và thanh khoản tăng vùn vụt.
“Nếu chia theo khu vực từ 1 đến 4, thì vùng 1 là khu trung tâm, vùng 2 vùng 3 là khu vực vùng đệm ven đô thị, còn xa hơn là vùng 4 là những khu vực có “view đẹp” nhưng đường đi khó, cũng chính là những khu vực đang bị “tổn thương” nhiều nhất trong giai đoạn thị trường trầm lắng vì chủ đất muốn bán, có giảm giá cũng khó ra hàng” – ông Quang phân tích.
Với những nhà đầu tư đang cầm tiền để “săn” hàng ngộp, ông Quang khuyên nên chọn những những mảnh có thể gia tăng giá trị được sau khi mua, như có thể xây dựng nhà, farmstay, homestay và đặc biệt giá phải thật sự tốt. Ngoài ra, khi quyết định “xuống tiền,” người mua phải cân nhắc thiệt hơn khi giai đoạn lãi suất huy động cao, room tín dụng hạn hẹp…. “Bất động sản dù đã kênh trú ẩn an toàn nhưng người mua phải biết chọn giá tốt, khả năng gia tăng lợi nhuận mới đầu tư…” – ông Quang lưu ý.
Nguồn: https://nld.com.vn/bat-dong-san/cat-lo-dat-vung-ven-20221031213009172.htm