Tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ông Nguyễn Văn Tiến (47 tuổi, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, Gia Lai) đã có 15 năm công tác ở công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 2018, ông Tiến xin nghỉ việc, mua 1ha đất để thực hiện ước mơ nuôi chồn hương.
Ban đầu, ông chỉ mua vài cặp chồn hương để nuôi thử nghiệm và bất ngờ chồn sinh trưởng tốt. Thấy mô hình hay, ông mạnh dạn đầu tư mua thêm 14 cặp. Nuôi hơn 1 năm, chồn lại không sinh sản và thường gặp nhiều bệnh về tiêu hóa, bệnh ngoài da. Không bỏ cuộc, ông đã khăn gói đi tham quan, học hỏi cách chăn nuôi chồn hương ở một số trang trại tại tỉnh Bình Phước.
Sau khi nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật, ông Tiến đã dốc hết vốn liếng để vào tỉnh Tây Ninh và Long An mua các giống chồn sinh sản về nuôi. Trên mảnh vườn gần 1ha, ông Tiến đã xây một trang trại rộng 220m2 với gần 200 chuồng nuôi. Cơ sở chăn nuôi chồn của ông Tiến đã được Chi cục kiểm lâm, thú y tỉnh kiểm tra tiêu chuẩn và cấp phép kinh doanh hợp pháp
Không những thế, ông Tiến còn liên kết cùng ông Nguyễn Văn Toàn để trồng trang trại mít, chuối, vừa tăng thu nhập và cung cấp nguồn thức ăn cho chồn.
Ông Tiến cho hay: “Chồn có nguồn gốc từ rừng và được con người thuần hóa nên vẫn giữ bản tính hoang dã, nhưng sức đề kháng lại rất tốt. Nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau nên phải chia ra từng con nuôi.
Thông thường, chồn mẹ mỗi năm sinh sản khoảng 2 lần, mỗi lứa 3-5 con, tỷ lệ sống lên đến hơn 90%. Tôi thường tận dụng thức ăn tự nhiên như: mít, chuối chín từ trang trại và nấu cháo cá, ếch để nuôi chồn. Trung bình, mỗi con chồn có khẩu phần ăn khoảng hơn 2.000 đồng/ngày/con”.
Mỗi năm, gia đình ông Tiến nuôi dao động 80-150 con chồn thương phẩm. Chồn thương phẩm nuôi 8 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 3,5kg và bán với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/kg. Bắt đầu từ năm 2021, ông Tiến đã bán mỗi năm khoảng 80 con chồn thương phẩm, thu về gần 600 triệu đồng.
“Hàng năm, số lượng chồn thương phẩm được các thương lái từ Đà nẵng, Hà Nội đến tận nhà để thu mua. Nhu cầu về thịt chồn thương phẩm trong cả nước nên tôi đang tiếp tục mở rộng trang trại để tăng đàn lên 250 con”, ông Tiến bộc bạch.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có tổng 116 cơ sở nuôi động vật rừng (39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường; 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm).
Trong đó, động vật rừng thông thường gồm: dúi, heo rừng lai, hươu sao, nhím bờm… với tổng 1.840 cá thể. Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm gồm: cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nai, công Ấn Độ, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, rắn ráo trâu, rùa đất lớn…. với tổng 1.984 cá thể.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây nuôi động vật thực hiện khai báo, đăng ký gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Đồng thời, lực lượng chức năng đã phối hợp với các hộ chăn nuôi để theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, sức khỏe của các cá thể loài động vật hoang dã gây nuôi; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn.