Đó là nhận định của GS-TS. Đỗ Công Thung, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển về hướng đi bền vững và lâu dài để đảo Cát Bà thực sự “lột xác”, xứng tầm “hòn ngọc” của Bắc bộ.
GS-TS. Đỗ Công Thung, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Bốn thách thức để Cát Bà xanh toàn diện
Cát Bà được định hướng phát triển thành điểm đến du lịch “xanh” đẳng cấp tầm cỡ quốc tế. Theo ông, để đạt đến mục tiêu này, đâu là những thách thức, vấn đề mà Cát Bà đã, đang và sẽ phải đối mặt khi giải bài toán phát triển đi đôi với bảo tồn?
Cát Bà là một “mắt xích” vô cùng quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Với tất cả những lợi thế sẵn có về tự nhiên, đa dạng sinh học hay cảnh quan, Cát Bà khởi sinh đã có đủ nội lực để trở thành “một thiên đường sinh thái”, “một Maldives của Việt Nam”.
Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng năm 2030 cũng xác định, sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, là đòn bẩy cho du lịch và kinh tế Hải Phòng phát triển.
Để đạt được mục tiêu lớn nêu trên, có không ít thách thức đặt ra với Cát Bà, đặc biệt là bài toán kinh điển là phát triển đi đôi với bảo tồn, bảo vệ môi trường. Theo đó, 4 vấn đề quan trọng mà Cát Bà cần giải trong bài toán phát triển du lịch xanh, bền vững là tiếng ồn (khi các phương tiện giao thông phục vụ du lịch lưu thông trên đảo nhiều, lượng khách đông sẽ tạo thành ô nhiễm tiếng ồn); ô nhiễm khói dầu từ ô tô, các phương tiện phát thải ra môi trường; rác thải, trong đó có rác thải đến từ các hoạt động, dịch vụ du lịch; ô nhiễm về vi sinh vật do khách du lịch thải ra.
Khách du lịch trải nghiệm trên Vịnh Lan Hạ, Hải Phòng
Theo ông, để giải được các bài toán trên, Cát Bà nên chọn những giải pháp nào?
Theo tôi, giải pháp ưu tiên là hạn chế tối đa việc sử dụng các phương tiện giao thông chạy xăng, dầu trên đảo. Cách đây khoảng 5 năm, UBND TP Hải Phòng đã đặt ra vấn đề làm thế nào để tất cả ô tô, phương tiện có thể phát thải ô nhiễm không khí, tiếng ồn sẽ dừng lại ở phía bến phà Đồng Bài, không hoạt động trên đảo Cát Bà, việc di chuyển quanh đảo sẽ sử dụng xe điện. Đó là tầm nhìn cần thiết.
Tiếp đến, hiện nay, việc sử dụng cáp treo đi từ Cát Hải sang Cát Bà là một phương án rất hay, khắc phục được nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, hạn chế các phương tiện lên đảo.
Đối với bài toán đầu tư cho hạ tầng xử lý rác thải, chất thải, Cát Bà hiện còn quá yếu. Bởi vậy, để hướng đến đảo du lịch xanh, sinh thái, Cát Bà nhất định phải bổ sung hạng mục này, ít nhất là xử lý chất thải ô nhiễm do khách du lịch tạo ra.
Không có nhà máy nào có đủ chức năng và công suất để xử lý được tất cả các loại ô nhiễm khi mà lượng khách du lịch tăng cao. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên của Cát Bà là cần xác định sức tải về du lịch để có kế hoạch đầu tư hạ tầng phù hợp. Hiện nay, địa phương chưa làm được việc này. Cát Bà cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng xử lý rác thải, ô nhiễm ở quy mô đủ tầm và công nghệ cao.
Động lực đưa Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh xứng tầm
Theo thống kê từ Tổ chức Du lịch bền vững quốc tế, 49% tỷ trọng phát thải CO2 và khí độc hại của du lịch toàn cầu đến từ hoạt động di chuyển. Ông có thể chia sẻ rõ hơn phương án giao thông “xanh”, hạn chế khí thải carbon mà Cát Bà nên lựa chọn?
Để đạt “chuẩn xanh”, việc sử dụng các phương tiện “thân thiện” môi trường như hệ thống cáp treo, xe điện, xe đạp là định hướng rất phù hợp. Tiêu biểu như hiện nay, việc Sun Group đã phát triển tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long là một ý tưởng tốt, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu dài hạn. Vì vậy, việc bổ sung các tuyến như từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà để thuận tiện hơn cho di chuyển là cần thiết.
Để lưu thông trên đảo, toàn bộ cư dân và du khách tương lai sẽ sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Hệ thống xe điện công cộng cần được quy hoạch đồng bộ với các điểm dừng, đỗ và trạm sạc được bố trí hợp lý, đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dân và du khách.
Bên cạnh đó, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhau, chính quyền với doanh nghiệp phải chọn hướng đi thống nhất. Tất cả cùng đồng lòng, đồng sức để hiện thực hóa mục tiêu đưa Cát Bà trở thành đảo du lịch đầu tiên ở Việt Nam không có khí thải carbon.
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao
Vậy để Cát Bà thực sự trở thành đảo sinh thái, thông minh, vai trò của ngành du lịch và các doanh nghiệp cần được thể hiện ra sao?
Quần đảo Cát Bà có đến 7 hệ sinh thái, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất ở nước ta, cũng là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới. Sở hữu “lá phổi xanh khổng lồ” là Vườn Quốc gia Cát Bà hơn 26.000 ha, nên “tự thân” Cát Bà cũng đã có khả năng giảm thải ô nhiễm, thanh lọc không khí.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để phát triển bền vững và vươn tầm đến mục tiêu cao hơn là trở thành đảo sinh thái, thông minh. Bởi vậy, Cát Bà cần có một quy hoạch tổng thể, một quy hoạch chuẩn để phát triển du lịch dài hạn và bền vững, liên kết chặt chẽ với các ngành khác để thống nhất mục tiêu và hành động chung về giảm thiểu ô nhiễm. Đó là ưu tiên thứ nhất.
Thành phố cũng cần có các biện pháp xử lý rác thải do du lịch tạo ra. Bước đầu có thể đi từ việc ban hành các quy định với các tàu du lịch, công ty lữ hành phải xử lý đúng cách các loại rác do du khách phát thải ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nên trích một phần doanh thu để chung tay tái tạo môi trường để đảm bảo quần đảo luôn xanh.
Và cuối cùng, tôi cho rằng, ở đâu cũng thế, để phát triển đều, cần phải có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào cuộc. Không có các “đại bàng” thì không thể bật lên được, tất cả đều “nghèo” thì lấy gì mà làm?
Chưa kể, khi kinh tế, du lịch đi lên, người dân địa phương cũng sẽ có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống cải thiện. Khi đó, nếu Hải Phòng liên kết được cả chính quyền – doanh nghiệp – người dân, hài hòa được lợi ích của các bên, thì chắc chắn sẽ tạo nên cú hích lớn, hoàn toàn có thể trở thành “tiểu Maldives của Việt Nam”.
Gần đây, Sun Group đã khởi công Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà. Ông đánh giá thế nào về vai trò, đóng góp của các dự án quy mô được đầu tư bài bản, chất lượng này cho sự phát triển kinh tế bền vững của đảo Cát Bà?
Trên khắp đất nước, Sun Group đều chọn “làm đẹp” những vùng đất mà các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế sẽ phải “kiêng dè”. Tôi cho rằng, đấy là một sự mạnh dạn.
Việc đầu tư vào Cát Bà cũng cho thấy sự “khác biệt” của tập đoàn này. Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà được quy hoạch hướng tới đưa Cát Bà thành “một tiểu Maldives của châu Á” với không gian giải trí quy mô, chất lượng và đẳng cấp là một ý tưởng rất tốt.
Chưa kể, việc phát triển thêm hệ thống cáp treo từ Cát Hải tới trung tâm thị trấn Cát Bà sẽ giúp người dân và du khách di chuyển từ TP. Hải Phòng đến trung tâm đảo một cách nhanh chóng, thuận tiện, lại giảm thiểu khí thải. Tuyến cáp treo còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hạ tầng du lịch của cả khu vực.
Dự án cũng không nằm trong phạm vi di sản thiên nhiên thế giới, khu bảo tồn, hay danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt nào. Vậy, nếu Sun Group đáp ứng được những tiêu chuẩn như không phát thải nhựa, không phát thải ô nhiễm về vi sinh vật, tiếng ồn, xăng dầu, thân thiện với môi trường, môi sinh…, thì tôi cho rằng, đấy là một điểm sáng cần được nhân rộng và làm hình mẫu.
Nhờ lực đẩy từ những nguồn lực tư nhân mạnh về tiềm lực, giàu về kinh nghiệm này, cơ hội để Cát Bà thu hút các dòng vốn xanh, đầu tư bài bản, trở thành trung tâm du lịch sinh thái của Việt Nam, thậm chí là khu vực, sẽ gần hơn bao giờ hết.
Nguồn: https://baodautu.vn/cat-ba-phai-la-diem-den-du-lich-xanh-don-bay-cho-kinh-te-hai-phong-phat-trien-d226868.html