Dây cáp nối những ước mơ
“Nếu bạn có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở VN”, tiêu đề bài viết đăng tải trên tờ The New York Times ngày 25.10 thu hút độc giả từ khắp nơi trên thế giới cùng dõi theo hành trình khám phá hệ thống cáp treo tại VN của tác giả – cũng là nhân vật trải nghiệm – Patrick Scott. Ngay khi được đăng tải, bài viết đã đứng vị trí đầu tiên trong mục Du lịch và xuất hiện trên trang chủ của tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ.
“Chúng tôi đang ngồi trong hộp cáp treo, là một phần của hệ thống cáp treo chở khách dài nhất thế giới, ở độ cao khoảng 50 tầng lơ lửng trên mặt biển xanh ngọc ngay ngoài khơi đảo Phú Quốc ở phía nam VN. Vào buổi chiều tháng 3 rực rỡ, hàng trăm chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ đầy màu sắc trên làn nước trong như pha lê trôi bên dưới…”, Patrick Scott miêu tả hành trình trải nghiệm cáp treo Hòn Thơm tại Phú Quốc. Tiếp tục trải nghiệm tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà và ngồi trên cáp treo Fansipan, cây bút này khẳng định đó là những trải nghiệm tuyệt vời và du khách lựa chọn đi bằng cáp treo hiện là xu hướng ở VN – quốc gia đang ở giữa thời kỳ phát triển cáp treo.
Đọc những lời miêu tả của Patrick Scott, Thúy Diễm (hướng dẫn viên tự do, quê ở Bình Định) nhớ năm 2018 khi Phú Quốc khai trương tuyến cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới, cô em gái út của Diễm khi đó còn học lớp 7 chỉ ước nếu được học sinh giỏi sẽ được bố mẹ đưa đi cáp treo Phú Quốc. Nhà ngay gần biển, ngày ngày làm bạn với những con sóng nhưng cô bé chưa từng một lần được ngắm nhìn biển từ trên cao.
“Năm ngoái khi có đủ điều kiện, tôi đã đưa cả nhà đi Phú Quốc chơi, thực hiện giấc mơ nhỏ đó của em gái. Niềm hạnh phúc vẫn ngập tràn trong ánh mắt con bé. Không những vậy, trên hành trình dẫn khách tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tôi đã chứng kiến rất nhiều cụ ông, cụ bà rớt nước mắt khi ngồi xe lăn dưới cột cờ Tổ quốc sau khi chinh phục được đỉnh Fansipan. Không có cáp treo thì chắc hết một đời này, họ cũng không bao giờ có cơ hội vậy. Đối với tôi, cáp treo không chỉ là công trình trí tuệ vĩ đại mà còn là sợi dây nối những ước mơ”, Thúy Diễm chia sẻ.
Quả thật, hơn 1 thập niên trước, đỉnh thiêng Fansipan với hành trình leo núi xuyên rừng hiểm trở, gian nan kéo dài tới hai ngày đêm chỉ dành cho các phượt thủ. Đến tháng 11.2013, khi Tập đoàn Sun Group khởi công xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan, ước mơ chinh phục Nóc nhà Đông Dương của hàng triệu du khách mọi lứa tuổi mới chính thức có cơ hội thành hiện thực.
Chỉ với 15 phút di chuyển bằng cáp treo, du khách sẽ được trải nghiệm những khoảnh khắc “độc nhất vô nhị” khi băng qua những biển mây dày, trắng xóa còn phía dưới là thung lũng Mường Hoa, thu vào tầm mắt cả một miền sơn cước đẹp như tranh vẽ, trước khi lên tới khoảng không trong veo ở đỉnh núi cao nhất VN để chạm tay vào cột mốc 3.143 m. Từ đó, chiêm bái quần thể 12 công trình tâm linh mang dáng chùa Việt cổ đẹp tựa chốn bồng lai hay săn mây, ngắm tuyết nơi Nóc nhà Đông Dương…
Tương tự, nếu không có cáp treo, núi Bà Nà – trạm nghỉ dưỡng xưa kia của người Pháp cũng không thể có cơ hội lột xác thành Sun World Ba Na Hills – một công viên giải trí theo phong cách châu Âu, với ngôi làng Pháp, nhà thờ Gothic, những lâu đài như cổ tích và đặc biệt cầu Vàng – hiện tượng truyền thông của thế giới.
Biến chuyển ngoạn mục của kinh tế và du lịch
Tờ The New York Times nhận định cáp treo có ý nghĩa đối với một quốc gia đang phát triển như VN. Tầng lớp trung lưu của đất nước là những đối tượng không dễ dàng có khả năng chi trả cho một chuyến đi đến Rome (Ý) hay Paris (Pháp), nhưng có thể dễ dàng mua vé cáp treo có giá từ khoảng 600.000 – 1 triệu đồng (25 – 45 USD) để đến những điểm đến lấy cảm hứng từ châu Âu như Bà Nà Hills hay Phú Quốc. Nhật báo hàng đầu của Mỹ cũng chỉ ra rõ những tác động tích cực của cáp treo tới nền kinh tế của các địa phương.
Cụ thể, Sa Pa chỉ đón 65.000 khách du lịch vào năm 2010, trước khi đường cao tốc từ Hà Nội được xây dựng vào năm 2014 và cáp treo được khánh thành vào năm 2016 nhưng đến năm 2019, lượng du khách đã tăng vọt lên 3,3 triệu và đạt 2,5 triệu vào năm ngoái trong sự phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Steven Dale, người sáng lập Gondola Project – website uy tín theo dõi tốc độ phát triển cáp treo toàn cầu, nhận định VN là một trong những quốc gia phát triển cáp treo thành công nhất châu Á. Theo dữ liệu từ các nhà sản xuất cáp treo, trong 2 thập niên qua, khoảng 26 tuyến cáp treo được xây dựng tại hàng chục địa điểm trên khắp VN, cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của các cơ sở phục vụ nhu cầu du lịch. “Địa hình VN có nhiều núi, rừng và hải đảo, phù hợp để xây dựng cáp treo. Đây được xem là “con đường” có thời gian xây dựng nhanh hơn, rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với đường bộ”, Steven Dale đánh giá.
Đến nay, hệ thống cáp treo của VN đã thu về tới 9 kỷ lục Guinness thế giới nhưng điều khiến những chuyên gia quốc tế phải nể phục nhất đó chính là những tuyến cáp vượt biển, xuyên rừng đồng thời tuân thủ tuyệt đối quan điểm giữ biển, giữ rừng. Lãnh đạo Sun Group, ông chủ của những công trình cáp treo thế kỷ của VN, đã nhiều lần khẳng định định hướng phát triển du lịch là chinh phục cái đẹp nhưng điều đầu tiên và cuối cùng là giữ gìn thiên nhiên. Để không xâm phạm hệ sinh thái rừng Hoàng Liên như mục tiêu Sun Group đề ra, 35.000 tấn vật liệu đã được vận chuyển thủ công xuyên qua rừng, thay vì chặt cây mở đường như cách các dự án cáp treo khác từng được thực hiện ở châu Âu.
Tương tự, cáp treo Hòn Thơm dài 8 km, vượt qua 4 hòn đảo, máy tời kéo cáp hiện đại nhất hiện nay cũng khó “kham” nổi nhưng Doppelmayr Garaventa không chỉ đối diện bài toán hóc búa là cải tiến máy tời mà họ còn phải tuân thủ tôn chỉ không được ảnh hưởng tới cây cối khi căng, kéo cáp vượt biển. Hơn thế, những sản vật địa phương như mít, dừa, xoài… ở Hòn Thơm vẫn được giữ nguyên và trồng thêm để tạo thành một “hoa quả sơn” trong đời thực.
Hệ thống cáp treo Bà Nà cũng từng được PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), dẫn ra làm ví dụ để chứng minh việc đưa cáp treo vào các khu di sản thiên nhiên, nếu được xây dựng dựa trên tính toán tỉ mỉ phần trăm tác động tới thiên nhiên, môi trường thì sẽ là phương tiện rất tốt để phát triển du lịch và kinh tế của địa phương: Cáp treo Bà Nà đã đưa đến cho VN rất nhiều kỷ lục trên thế giới nhưng vẫn không làm thay đổi khí hậu và cảnh quan ở Bà Nà.
Theo ông, nếu thuần túy đứng ở góc nhìn bảo tồn văn hóa di sản thiên nhiên thì rõ ràng ai cũng muốn duy trì nguyên bản, nguyên sơ, nguyên mẫu. Tuy nhiên từ đó lại đặt ra câu chuyện nếu duy trì nguyên dạng nguyên sơ của di sản thì khả năng tiếp cận của cộng đồng nội địa cũng như khách du lịch nước ngoài là rất hạn chế. Bởi một quãng đường di chuyển rất xa và khó đi sẽ đưa đến các bất cập về mặt sức khỏe, cung ứng hậu cần, kỹ thuật… Vì thế, trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố như sức hủy hoại môi trường thấp, không làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan, thiên nhiên, áp dụng các yếu tố kỹ thuật hiện đại… thì xây dựng cáp treo kết nối đến các khu di sản thiên nhiên là chuyện nên làm. Các công trình này sẽ đẩy mạnh hơn nữa năng lực thu hút du lịch ngoài nước, giới thiệu rộng hơn với bạn bè quốc tế những cảnh quan kỳ vĩ của VN, đồng thời người dân VN cũng có cơ hội tiếp cận di sản nhanh hơn, rộng hơn và có đủ thời gian để chiêm ngưỡng cảnh đẹp đất nước.