Nhiều công ty du lịch lữ hành trong năm qua ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, có nơi thoái vốn ở các công ty con và giải thể hàng loạt chi nhánh, văn phòng đại diện.
Người dân tham quan tại khu du lịch núi Bà Đen- Ảnh: SUN WORLD BÀ ĐEN
Công ty cổ phần cáp treo Núi Bà Tây Ninh lãi hơn 11 tỉ đồng
Từ ngày 25 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng, khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) trở thành nơi dừng chân của hơn 561.000 lượt khách.
Riêng mùng 4 Tết, ước tính có đến 181.000 lượt khách đến với địa điểm này.
Hiện, Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại Tây Ninh (Tani Tour) tham gia kinh doanh các loại hình du lịch trên núi Bà Đen, nơi được mệnh danh là "nóc nhà của miền Đông Nam Bộ".
Doanh nghiệp này đã có quý cuối năm kinh doanh hiệu quả so với cùng kỳ năm 2023, với tổng doanh thu đạt 31 tỉ đồng, tăng gần 15%, trong khi tổng chi phí giảm gần 23%.
Những yếu tố này giúp Tani Tour cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận và lãi 1,5 tỉ đồng trong ba tháng cuối năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ hơn 9 tỉ đồng.
Luỹ kế cả năm, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 124 tỉ đồng và lãi 27,3 tỉ đồng (giảm hơn 18% so với năm 2023).
Tani Tour chuyên kinh doanh các loại bia, nước giải khát, dịch vụ giữ xe, vận chuyển hành khách và dịch vụ vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, cải tạo - trang trí cảnh quan khu vực.
Công ty con của Tani Tour là Công ty cổ phần cáp treo Núi Bà Tây Ninh, chuyên vận chuyển du khách bằng hệ thống cáp treo và xe trượt ống, lãi hơn 11,5 tỉ đồng trong năm 2024.
Cơ cấu cổ đông của Tani Tour không thay đổi trong năm qua. Hiện, Công ty cổ phần Địa Cầu sở hữu 24,5% vốn Tani Tour, theo sau là Công ty TNHH Olympia và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Ánh Dương, mỗi bên nắm 24%.
Chi phí ăn mòn lợi nhuận của Lữ hành Vietravel
Năm vừa qua, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) mở rộng thêm mạng lưới các văn phòng kinh doanh, chi nhánh trên cả nước.
Điều này góp phần giúp doanh thu thuần quý cuối năm của công ty đạt 1.484 tỉ đồng, tăng 8,5%.
Luỹ kế cả năm, doanh thu thuần của Vietravel đạt hơn 6.740 tỉ đồng, tăng 13,3%; trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đóng góp đến 98%.
Tuy nhiên, chính sách mở rộng thị trường và tăng quảng bá, tiếp thị cùng với chi phí đầu vào tăng, đã tác động mạnh đến lợi nhuận của công ty này.
Giá vốn bán hàng quý vừa qua chiếm hơn 92% doanh thu thuần, cao hơn cùng kỳ.
Cùng với đó, chi phí bán hàng của Vietravel tăng 18,5% và chi phí lãi vay tăng hơn 40%, vì chính sách hỗ trợ lãi vay 2% hết hiệu lực.
Các yếu tố trên đã góp phần kéo giảm biên lợi nhuận gộp quý 4-2024 của công ty chỉ còn 7,6% (giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2023).
Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Vietravel đạt gần 47,8 tỉ đồng (giảm hơn 40% so với năm 2023).
Đoàn khách của Vietravel trải nghiệm lễ hội gà rán tại Đài Loan hồi tháng 12-2024 - Ảnh: CTV
Nhiều công ty trong ngành du lịch năm vừa qua đều ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm. Vietravel cũng không ngoại lệ, khi chỉ tiêu này âm hơn 157 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2024, Vietravel có 1.186 nhân viên. Tổng nợ của công ty tăng lên 2.100 tỉ đồng.
Trong đó, phần lớn là nợ ngắn hạn, bao gồm khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 915 tỉ đồng (tăng gần 30% so với năm 2023).
Đầu năm 2025, với lý do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Vietravel đã thay đổi định hướng và tái cấu trúc nên đã giải thể Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Vietravel.
Hiện, Tập đoàn Hưng Thịnh sở hữu 20,52% vốn Vietravel, Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital nắm 9,77% và cá nhân ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT công ty nắm 10,96%.
Công ty cổ phần Vietourist Holdings đã có một năm đầy biến động khi phải giải thể bảy chi nhánh, văn phòng đại diện ở Huế, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên,… vì không có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, công ty đã bán hơn 4,2 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Lữ hành Vietourist và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên.
Tiền thân Vietourist Holdings là trung tâm lữ hành du lịch Vietourist và ngành nghề chính hiện là đại lý du lịch.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2024, doanh thu thuần của công ty đạt 31,3 tỉ đồng, nhưng giá vốn bán hàng lên tới 37,5 tỉ đồng.
Vietourist Holdings ghi nhận lợi nhuận gộp âm 6,1 tỉ đồng trong kỳ so với cùng kỳ năm 2023 lãi 1,6 tỉ đồng.
Doanh thu thuần năm 2024 của Vietourist Holdings giảm gần 12% so với năm 2023, chỉ đạt 148 tỉ đồng và lỗ gần 5,3 tỉ đồng, trong khi năm trước đó lãi hơn 670 triệu đồng.
Không chỉ kết quả kinh doanh, số lượng nhân sự tại doanh nghiệp này giảm hơn 10%, chỉ còn 89 nhân viên tính đến cuối năm 2024.
Mai anh đào khoe sắc rực rỡ trên các cung đường trong khuôn viên thung lũng tình yêu Đà Lạt - ẢNH: TTC WORLD
Du lịch Thành Thành Công: doanh thu hoạt động tài chính tăng 10 lần
Doanh thu thuần quý 4-2024 của Du lịch Thành Thành Công đạt 146 tỉ đồng, và lợi nhuận gộp đạt 26,5 tỉ đồng.
Nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng vọt lên hơn 210 tỉ đồng (lãi từ giao dịch bán các khoản đầu tư, chứng khoán), góp phần giúp công ty này ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 72,3 tỉ đồng.
Kết quả rực rỡ quý cuối năm đã giúp Du lịch Thành Thành Công cải thiện tình hình chung, đặc biệt là bù đắp phần nào cho khoản lỗ trong quý 1 và quý 3-2024.
Luỹ kế cả năm, chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận và lãi ròng của công ty đều sụt giảm, lần lượt chỉ đạt 709,6 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng.
Cuối năm 2024, công ty này bán toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Palace Bình Thuận cho Công ty cổ phần Du lịch Núi Tà Cú, với giá chuyển nhượng 76 tỉ đồng.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Du lịch Thành Thành Công là kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn với những địa điểm nổi bật như khu du lịch TTC World - Thung lũng tình yêu Đà Lạt.
Theo số liệu tự bạch, công ty này sở hữu 11 khách sạn/khu nghỉ dưỡng, với khoảng 1.400 phòng, bốn khu vui chơi, phục vụ hơn hai triệu khách tham qua mỗi năm, và ba trung tâm hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng trên cả nước.
Quý cuối năm thấp điểm của công viên nước Đầm Sen
Theo báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2024, doanh thu thuần năm vừa qua của Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen đạt 217,6 tỉ đồng, giảm hơn 12% so với năm 2023 và lãi ròng gần 92,6 tỉ đồng, giảm hơn 17%.
Trong năm qua, công ty này đạt kết quả khởi sắc nhất vào quý 2 và quý 3, trong khi quý cuối năm ghi nhận mức thấp nhất.
Đến cuối năm, tổng số nhân sự của công viên nước Đầm Sen vẫn là 170 người, bằng thời điểm cuối năm 2023.
Về cơ cấu cổ đông, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Phú Thọ sở hữu 33,54% vốn; trong khi một cổ đông lớn khác nắm 10,63% là ông Kenji Yabe, cá nhân nhận hơn 5 tỉ đồng cổ tức trong năm qua.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cap-treo-tay-ninh-lu-hanh-vietravel-cong-vien-dam-sen-kinh-doanh-ra-sao-nam-qua-20250209134359903.htm
Bình luận (0)