Thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cho biết: “Tuyến cáp quang biển này sẽ phải lùi khôi phục do các lỗi phát sinh trên nhánh S1.9 và S9”.
Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, tuyến cáp này cũng gặp lỗi trên nhánh S1.7. Vì vậy, các sự cố này khiến cho dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore đang bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của sự cố lần này không lớn. Đây có thể là kết quả của việc chuẩn bị trước cho các sự cố sau vấn đề liên quan tới cả 5 tuyến cáp bị ảnh hưởng hồi đầu năm nay.
Dự định việc sửa chữa lỗi trên nhánh S1.7 của tuyến quang biển APG sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8, sau đó lùi sang đầu tháng 9. Nhưng với hai sự cố mới, hiện đơn vị này vẫn chưa có lịch khắc phục cụ thể.
APG là một trong năm tuyến cáp quang biển của Việt Nam, kết nối từ trạm cập bờ Đà Nẵng đến hai trung tâm Internet của khu vực là Hong Kong và Singapore. Tuyến cáp này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, FPT Telecom, CMC Telecom, Viettel và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng internet tại Việt Nam.
Hoạt động của tuyến bắt đầu gặp vấn đề từ cuối 2022, sau đó liên tiếp phát sinh các lỗi vào tháng 4, tháng 6 và tháng 8, khiến dung lượng chưa được khôi phục sau hơn nửa năm.
Hiện nay, có năm tuyến cáp quang biển làm nhiệm vụ kết nối internet Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á – Mỹ); APG (châu Á – Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á – châu Phi – châu Âu). Trong đó, tuyến cáp quang biển APG đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12.2016, chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.