Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ách tắc trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, ông Hoàng Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) đã trực tiếp xuống bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội để khảo sát, xác thực tình hình.
Sau đó, ông Hùng chủ trì cuộc họp với Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách lý lịch tư pháp và trưởng các phòng ban của Sở Tư pháp Hà Nội để yêu cầu thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề đang gây bức xúc.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
“Phải xin lỗi người dân”
Những nguyên nhân nào dẫn tới việc người dân phải xếp hàng đợi lấy số thứ tự xin cấp phiếu lý lịch tư pháp từ 4h sáng ở Sở Tư pháp Hà Nội, thưa ông?
– Việc người dân phải xếp hàng chờ lấy số thứ tự nhưng nhiều ngày sau mới được nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân chủ quan do cách sắp xếp tổ chức công việc để tiếp nhận hồ sơ ở Sở Tư pháp Hà Nội. Lẽ ra phải làm sao cho “dòng chảy thông” thì lại bóp nghẹt lại một chỗ, chỉ có 2 ô tiếp nhận hồ sơ thì người dân phải chờ đợi là đương nhiên.
Số lượng hồ sơ của Hà Nội không phải đông. Nghệ An và TPHCM còn tiếp nhận đông hồ sơ hơn Hà Nội nhưng không có chuyện ách tắc và đã được họ giải quyết rất tốt.
Việc này còn do nhận thức của người đứng đầu ở đó. Các phòng ban thì nghĩ rằng đây là việc của Phòng lý lịch tư pháp, chứ chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan. Cơ chế phối hợp với nhau chưa thông suốt, chưa nhuần nhuyễn.
Trong nội bộ Sở Tư pháp chưa có chỉ đạo nào của người đứng đầu, Giám đốc Sở Tư pháp tạo ra cơ chế, thông báo yêu cầu các phòng ban cử thêm người để thực hiện việc này, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cơ quan thì mới giải quyết được bức xúc của người dân.
Sau khi có chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội thì ngay chiều tối thứ 6 vừa rồi tôi đã nhận được thông tin “không còn ai phải xếp hàng”.
Ông từng nói tại một cuộc họp báo của Bộ Tư pháp rằng nếu chậm trễ giải quyết thủ tục, cấp phiếu lý lịch tư pháp thì phải xin lỗi người dân. Vậy Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng nên xin lỗi người dân?
– Phải xin lỗi người dân. Ở Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bất kể người dân nào chưa được nhân viên giải quyết thủ tục kịp thời, tôi đều phải mời vào phòng làm việc để xin lỗi người dân.
Khi đó, người dân mới hài lòng. Đó mới là nền hành chính vì dân, nếu không chỉ là hình thức.
Từ việc ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính ở Hà Nội, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có yêu cầu các địa phương khác rà soát lại quy trình làm việc?
– Trên toàn quốc mới xảy ra ở Hà Nội thôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại ở các địa phương khác, nếu có vấn đề ách tắc như Hà Nội sẽ xử lý ngay lập tức. Khi đó, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ trực tiếp đến xử lý ngay. Rút kinh nghiệm chuyện ở Hà Nội, chúng tôi sẽ yêu cầu tháo gỡ từ xa.
Cái quan trọng nhất là kết quả tra cứu thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thu thập, Sở Tư pháp các địa phương chỉ chủ động tiếp người dân và trả lời kết quả cho người dân thì tại sao lại không tổ chức bộ máy làm việc đó cho tốt?. Chúng tôi sẵn sàng cử cán bộ xuống hỗ trợ nơi nào ách tắc, bởi tất cả chỉ để phục vụ người dân.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong cấp phiếu lý lịch tư pháp
Việc áp dụng công nghệ thông tin trong cấp phiếu lý lịch tư pháp đã đạt được những kết quả như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
– Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã triển khai thực hiện trên phần mềm từ nhiều năm nay. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng bằng công nghệ thông tin giữa các Sở Tư pháp – Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia – Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06, Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) của công an các địa phương. Thông tin tổng hợp như vậy mới đầy đủ, kịp thời.
Khi tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu của người dân thì hệ thống sẽ chia ra các nhánh, cùng nhau tra cứu cơ sở dữ liệu. Sau đó mới tích hợp kết quả trả về trung tâm, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ so sánh với kết quả lưu trữ ở trung tâm, ghép nối các kết quả lại, thậm chí có thể kết nối xác minh thêm ở Tòa án Quân sự Trung ương.
Sau khi tích hợp đầy đủ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia mới ký công văn qua phần mềm chuyển về Sở Tư pháp để trả lời cho người dân xem người đó có án tích hay không, có được xóa án tích hay không,…
Toàn bộ công việc được Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tích hợp, chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả đó. Sở Tư pháp chỉ nhận kết quả, in ra ký trả cho người dân thôi.
Bình quân mỗi ngày chúng tôi trả kết quả cho 2.000 – 2.500 hồ sơ, cao điểm lên tới 3.000 hồ sơ. Tất cả đều được xử lý qua phần mềm tự động. Nếu như trước đây, mỗi cán bộ chỉ xử lý được 5 – 10 hồ sơ/ngày là nhiều lắm rồi thì bây giờ xử lý nhanh hơn trước rất nhiều. Thời hạn để trả kết quả là 15 ngày, nhưng thường 5 ngày là chúng tôi đã trả kết quả rồi. Tất cả đều rất chính xác, rất ít trường hợp có ý kiến khiếu nại.
Còn đối với những vụ việc phức tạp do lịch sử để lại, hồ sơ bị thất lạc đã được các ông xử lý, tháo gỡ ra sao nhằm tạo thuận lợi cho người dân?
– Những loại hồ sơ có vướng mắc do lịch sử để lại chiếm tỷ lệ chỉ rất ít, chỉ khoảng 0,5%. Đó là những vụ việc hồ sơ bị thất lạc, cơ sở dữ liệu của ngành công an không ghi nhận, do thay đổi địa giới hành chính,… Chúng tôi phải “lần” qua nhiều nguồn, xác minh từ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thi hành án,… mới đủ điều kiện xem người nào đó đã được xóa án tích hay chưa.
Trước đây nhiều cán bộ tiếp nhận hồ sơ sợ trách nhiệm, “im lặng”, không dám trả lời những hồ sơ như vậy. Tuy nhiên, với trách nhiệm được luật giao, tôi đã ký Công văn 558 để tháo nút thắt này cho các địa phương.
Dù “án mờ”, lịch sử không rõ, nhận được trả lời không biết gì, không biết rõ, vẫn phải ký văn bản cho người dân. Về nguyên tắc vẫn áp dụng theo Hiến pháp quy định, một người dân chỉ bị coi là có tội khi có bản án hình sự kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Và Luật Lý lịch tư pháp quy định, một người chỉ được coi là có án tích chỉ khi nào bản án, quyết định hình sự của tòa có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ Hiến pháp và Luật Lý lịch tư pháp thì trong những trường hợp khó khăn, vẫn ký trả lời người dân được.
Chúng tôi đã đề nghị sửa đổi Điều 25 Nghị định 111/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp theo tinh thần Công văn 558 như vậy. Trong trường hợp quá thời hạn mà không nhận được thông tin trả lời về bản án, án tích thì căn cứ vào Hiến pháp, Luật Lý lịch tư pháp vẫn phải trả lời không có án tích để giải quyết triệt để tồn tại này.
Đồng thời sẽ áp dụng 4.0 vào nghị định sửa đổi này, phối hợp tra cứu điện tử và số hóa để tra cứu nhanh, cung cấp thông tin kịp thời trả lời kết quả cho người dân. Sắp tới nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành.
Xin cảm ơn ông !
Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (hiện nay do Sở Tư pháp) cấp có giá trị:
-Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không.
-Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hòa nhập cộng đồng.
-Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.
-Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…