Không nhất thiết phải mở thêm các trung tâm đăng kiểm
Cụ thể, Nghị định 30 quy định, việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại. Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; đảm bảo an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Nói về lý do “siết” vấn đề thành lập trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Nghị định 139/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 63/2016 cũng được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) để phù hợp với Luật Quy hoạch. Do đó, từ năm 2019, đơn vị có nhu cầu thành lập TTĐK xe cơ giới tại các địa phương trên toàn quốc không còn phải tuân thủ theo quy hoạch tại Quyết định số 3771 ngày 6/10/2014 của Bộ GTVT (về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể các TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030). Đồng thời, trước khi xây dựng không cần sự chấp thuận của Cục Đăng kiểm Việt Nam về vị trí, địa điểm xây dựng TTĐK như trước đây. Chính điều này đã khiến số lượng TTĐK tăng nhanh chóng trong vài năm qua lên 281 đơn vị, vượt cả quy hoạch mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030 tại Quyết định 3771 trước đây, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nảy sinh tiêu cực.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, không những nở rộ các TTĐK sau năm 2019 mà việc thành lập các đơn vị này cũng không đồng đều. Nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi chỉ có 1-2 TTĐK trong khi tại các tỉnh, thành đồng bằng, đô thị lại “mọc” dày đặc.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc bổ sung quy định mới trong Nghị định 30 này là phù hợp, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương vùng miền núi mở thêm TTĐK phục vụ nhân dân trong khi các địa phương đã có mạng lưới dày đặc các TTĐK sẽ siết lại, hạn chế việc mở thêm. Từ đó khắc phục được tình trạng các TTĐK bố trí không đồng đều, ngăn những cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị đăng kiểm. Đồng thời việc bổ sung quy định về đấu nối, kết nối giao thông cũng cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện ra/vào kiểm định.
Theo ông Tạo, trước khi xảy ra khủng hoảng đăng kiểm, với số lượng 281 TTĐK đã đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân trên cả nước. Nguyên Phó Chánh văn phòng UBAT_GT Quốc gia bày tỏ thêm: với số TTĐK hiện có, khi hoạt động lại bình thường cùng những quy định mới như không giới hạn công suất dây chuyền kiểm định, giảm số đăng kiểm viên cần thiết trong 1 dây chuyền cộng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm thao tác thủ công, hoạt động kiểm định hiện nay vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân mà không nhất thiết phải mở thêm các TTĐK.
Tự động dời lịch cho xe được giãn chu kỳ kiểm định
Ngày 12/6, thông tin từ đội ngũ quản trị app TTDK của Cục Đăng kiểm cho biết, sẽ tự động dời lịch đăng kiểm trên ứng dụng này cho tất cả các xe được gia hạn chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 3/6 vừa qua. Việc dời lịch đăng kiểm này nhằm tạo điều kiện cho các xe đã hết hạn hoặc gần hết hạn nhưng không trong diện được gia hạn chu kỳ kiểm định, có thể đặt được lịch hẹn đăng kiểm sớm nhất. Bởi thực tế, có nhiều phương tiện thuộc diện tự động giãn chu kỳ kiểm định nhưng đã đặt lịch hẹn từ trước, đến nay vẫn chưa huỷ lịch hẹn trên app khiến những chủ xe có nhu cầu khó khăn trong việc chọn lịch hẹn gần nhất.
Theo đội ngũ quản trị app TTDK, lịch hẹn đăng kiểm của các xe được tự động giãn chu kỳ kiểm định sẽ được dời sang một thời điểm mới phù hợp với thời hạn mới của Giấy chứng nhận, Tem kiểm định sau khi được gia hạn. Việc làm này hoàn toàn tự động bởi đội ngũ quản trị app TTDK mà chủ xe không cần thực hiện bất kỳ thay đổi hay xác nhận nào. Ngoài ra, hiện ở các trung tâm đăng kiểm, số lượng lịch hẹn dành xe ôtô dưới 9 chỗ đã được giảm xuống để ưu tiên cho xe sơ-mi rơ-moóc, xe bán tải, xe tải và phương tiện khác.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết thêm, tính đến nay hệ thống quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa lên hơn 230.000 Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận và Tem kiểm định cho các xe có hạn kiểm định đến ngày 16/7/2023. Số lượt file Giấy xác nhận đã được người dân tải xuống là hơn 35.600 giấy.
Nhìn vào thực tế có thể thấy, việc không phải kiểm định cho gần 1,4 triệu phương tiện được tự động giãn chu kỳ kiểm định đã tạo điều kiện cho các đơn vị đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải khác cũng như các phương tiện quá hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định. Không chỉ có chuyên gia giao thông, mà nhiều người dân cũng đồng tình rằng, với tình trạng quá tải của ngành đăng kiểm trong thời gian qua, việc giãn chu kỳ đăng kiểm để “giảm nhiệt” cho các TTĐK là một hướng đi đúng đắn và cần thiết. Điều này không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành Đăng kiểm mà còn góp phần ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế – xã hội cho người dân nói riêng và đất nước nói chung.
Nguồn:https://cand.com.vn/Giao-thong/cap-phep-thanh-lap-trung-tam-dang-kiem-tha-long-roi-lai-siet-i696760/