Ít nhất 45 người Palestine, trong đó có 23 phụ nữ, trẻ em và người già, thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào một trại dành cho những người sơ tán khỏi thành phố Rafah ở miền Nam Gaza, ngày 27/5.
Hiện trường sau vụ cháy do cuộc không kích của Israel gây ra ở trại tị nạn cho người dân rời khỏi Rafah, ngày 27/5. (Nguồn: Flash 90) |
Một quan chức cấp cao của Cơ quan phòng vệ dân sự ở Dải Gaza cho biết thêm, các cuộc không kích còn khiến 65 người bị thương. Các nạn nhân thương vong phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Trong khi đó, nỗ lực cứu hộ đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi thiếu nước để dập tắt các đám cháy do các cuộc không kích gây ra.
Tờ Times of Israel dẫn phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước Quốc hội sau vụ việc trên rằng: “Tại Rafah, chúng tôi đã sơ tán 1 triệu người dân bị ảnh hưởng, và mặc dù đã nỗ lực nhưng sự cố thảm kịch đã xảy ra hôm qua. Chúng tôi đang điều tra vụ này và sẽ đưa ra kết luận”.
Mặc dù vậy, ông Netanyahu tiếp tục tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu ở Gaza cho đến khi đạt được mọi mục tiêu và “lá cờ chiến thắng được kéo lên”.
Trong khi đó, Thiếu tướng Yifat Tomer Yerushalmi, công tố viên quân sự hàng đầu của Israel, nhận định, cuộc không kích trên là “rất nghiêm trọng” và quân đội lấy làm tiếc về bất kỳ tổn hại nào đối với dân thường.
Cùng ngày, Quân đội Israel (IDF) ra thông báo cho biết đã chỉ đạo Cơ quan đánh giá và tìm hiểu thực tế thuộc Bộ Tổng tham mưu điều tra vụ tấn công.
Thông báo của IDF cho biết thêm: “Trước cuộc tấn công, đã thực hiện một số bước đi để giảm nguy cơ gây hại cho dân thường không liên quan, bao gồm việc triển khai giám sát từ trên cao, khai hỏa chính xác của không quân và thông tin tình báo bổ sung”.
Phản ứng với vụ việc trên, hãng tin Tân Hoa xã dẫn một nguồn tin cho biết, Hamas đã thông báo với các nhà trung gian rằng, phong trào này sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước Quốc hội ngày 27/5, sau vụ tấn công khiến 45 người tị nạn Palestine tử vong. (Nguồn: Flash90) |
Phản ứng quốc tế
Sau vụ tấn công trên, ngày 27/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội cá nhân nói rằng, “không có nơi nào ở Gaza được an toàn và nỗi kinh hoàng này cần phải chấm dứt”.
Cùng ngày, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk bày tỏ bàng hoàng trước vụ việc, đồng thời hối thúc chính quyền Israel tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Rafah.
Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) mô tả những báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào dân thường đang tìm nơi trú ẩn ở Rafah là “kinh hoàng”.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia nêu rõ: “Israel có quyền truy đuổi Hamas… Nhưng như chúng tôi đã nói rõ, Israel phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để bảo vệ dân thường”.
Washington khẳng định đang tích cực phối hợp với IDF và các đối tác trên thực địa để đánh giá những gì đã xảy ra, đồng thời lưu ý IDF đang tiến hành một cuộc điều tra”.
Bộ Ngoại giao Qatar ra tuyên bố nhấn mạnh, cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Rafah có thể cản trở các nỗ lực hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas.
Saudi Arabia phản đối vụ tấn công, mô tả đây là sự việc “vô cùng nghiêm trọng”.
Italy cũng đưa ra lập trường tương tự. Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto cho biết, người dân Palestine đang bị chèn ép trong khi quyền lợi của họ bị phớt lờ; những hành động bạo lực nhằm vào dân thường ở Gaza là điều không thể biện minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc trên, tuyên bố: “Những hoạt động này phải dừng lại. Không có khu vực an toàn ở Rafah dành cho dân thường Palestine”.
EU sẽ kích hoạt hành động ở Rafah
Cùng ngày 27/5, hãng tin AFP cho hay, các ngoại trưởng của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triệu tập một cuộc họp với Israel để yêu cầu nước này giải thích các hành động trong cuộc tấn công ở Rafah bất chấp phán quyết của ICJ.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell gọi vụ tấn công là kinh hoàng, đồng thời nhấn mạnh, vụ việc cho thấy không có nơi nào an toàn ở Gaza.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Borrell cho biết, các ngoại trưởng EU đã nhất trí về nguyên tắc việc khôi phục phái đoàn dân sự của khối này tại Rafah, vốn đã ngừng hoạt động từ năm 2007, khi Hamas giành toàn quyền kiểm soát Dải Gaza.
Quan chức ngoại giao EU nói rõ: “Họ đã bật đèn xanh cho tôi, bật đèn xanh về chính trị để kích hoạt lại phái bộ, sứ mệnh của chúng tôi ở Rafah. Điều này có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ người dân vào và ra khỏi Gaza”.
Tuy nhiên, Đại diện cấp cao EU cũng lưu ý, kế hoạch này phải được thực hiện với sự nhất trí của Palestine, Ai Cập và Israel. Nhiều nhà ngoại giao đánh giá sứ mệnh của EU khó có thể được thực hiện trước khi xung đột ở Rafah chấm dứt.
Nguồn: https://baoquocte.vn/vu-khong-kich-trai-ti-nan-o-rafah-cap-nhat-so-nguoi-tu-vong-israel-thua-nhan-tham-kich-eu-kich-hoat-hanh-dong-272847.html