Sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik, kho vũ khí hạt nhân của nước này được quan tâm hơn bao giờ hết.
Hệ thống phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga. (Nguồn: TASS) |
Hành động tấn công bằng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik được xem là phản ứng của Nga đối với việc Ukraine đã sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh để tấn công vào lãnh thổ của mình.
Ngoài lý do đáp trả, cuộc tấn công này của Nga vào Ukraine cũng là kết quả của việc Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt những thay đối với học thuyết hạt nhân của Nga khi cho phép dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân vào lãnh thổ nước này.
Cũng trong tháng 11, Tổng thống Putin tuyên bố rằng các cơ sở quân sự ở các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do các nước này sản xuất để tấn công Nga có thể trở thành mục tiêu của Moscow. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngày 28/11, Tổng thống Putin cho biết bộ chỉ huy quân sự của Nga đang lựa chọn các mục tiêu để tấn công ở Ukraine, đe dọa rằng các cuộc tấn công trong tương lai có thể nhắm vào các tòa nhà chính phủ ở Kiev.
Số lượng lớn
Nga và Mỹ sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân toàn cầu, theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Tuy nhiên, theo thông tin từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ vào tháng 3, Nga có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất với khoảng 5.580 đầu đạn, chiếm 47% tổng kho dự trữ của thế giới.
Còn theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Nga đang triển khai 1.710 đầu đạn hạt nhân. Số đầu đạn này được phân phối trên bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm khoảng 326 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), 12 tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) được trang bị 192 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và 58 máy bay ném bom chiến lược.
Nga đã ngừng chia sẻ dữ liệu chính thức về lực lượng hạt nhân chiến lược với Mỹ vào năm 2023. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố vẫn tiếp tục tuân thủ các giới hạn của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), duy trì sự cân bằng với khả năng hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Tên lửa Oreshnik – Nhân tố mới
Tên lửa đạn đạo tầm trung gian mới có tên Oreshnik được Nga sử dụng trong cuộc tấn công Ukraine tuần trước là một vũ khí có khả năng hạt nhân chưa từng được đề cập trước công chúng.
Tổng thống Putin cho biết phòng không không thể đánh chặn Oreshnik khi tên lửa này tấn công với tốc độ Mach 10 (tương đương 2,5-3 km mỗi giây) và có “hàng chục đầu đạn và đầu đạn dẫn đường”. Ngoài ra, ông Putin cũng bổ sung rằng tên lửa không gây ra hủy diệt hàng loạt vì tên lửa này không có đầu đạn hạt nhân, do đó không có ô nhiễm hạt nhân sau khi sử dụng.
Các chuyên gia quân sự thì cho rằng, tuy cuộc tấn công vào thành phố Dnipro (Ukraine) sử dụng đầu đạn thông thường, nhưng tên lửa Oreshnik cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Nói về khả năng mang đầu đạn của tên lửa Oreshnik, chuyên gia quân sự Viktor Baranets viết trên tờ Komsomolskaya Pravda rằng tên lửa này có thể mang 3 đến 6 đầu đạn, trong khi thông tin tình báo của Ukraine cho biết tên lửa có thể mang 6 đầu đạn.
Biên tập viên Igor Korotchenko của Tạp chí Quốc phòng có trụ sở tại Moscow trong cuộc phỏng vấn với hãng TASS đã trả lời rằng dựa trên đoạn video về cuộc tấn công, Oreshnik có nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập.
Tàu ngầm hạt nhân Knyaz Vladimir của Nga. (Nguồn: The Moscow Times) |
Những vũ khí hạt nhân khác
Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng đa dạng gồm tên lửa chiến lược tiên tiến và vũ khí siêu thanh.
Một trong những vũ khí cốt lõi của lực lượng tên lửa chiến lược là RS-24 Yars. Đây là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn khoảng 12.000 km và có khả năng mang theo nhiều đầu đạn tái nhập có thể nhắm mục tiêu độc lập.
Tên lửa RS-28 Sarmat, còn được phương Tây gọi là Satan 2, với tầm bắn 18.000 km cũng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Cuối tháng 11, hãng TASS cho biết Nga đang tiếp tục nỗ lực để đưa Sarmat vào nhiệm vụ chiến đấu.
Ngoài ra, kho vũ khí Nga sở hữu Avangard, một vũ khí siêu thanh có quỹ đạo dạng tàu lượn, cũng có thể mang theo tải trọng hạt nhân thông thường.
Hãng TASS cho biết loại vũ khí này có thể di chuyển với tốc độ siêu thanh khoảng 32.000 km/h và được đánh giá là “cơ động và áp đảo bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”.
Bổ sung cho Avangard là Kinzhal, một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không được triển khai từ các bệ phóng như máy bay chiến đấu MiG-31, với tầm bắn lên tới 3.000 km. Tên lửa Tsirkon (Zircon) mở rộng khả năng siêu thanh của Nga sang lĩnh vực hàng hải, có tầm bắn 1.000 km và nhắm vào các mục tiêu hải quân và trên đất liền.
Kho vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm của Nga sở hữu loại tên lửa chủ chốt là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava, có tầm bắn 8.000 km.
Đối với tác chiến trên không, các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95MS và Tu-160 đóng vai trò là hệ thống phóng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Đó là tên lửa Kh-101 và biến thể hạt nhân của nó là Kh-102.
Ngoài vũ khí chiến lược, Nga còn duy trì một kho dự trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ, có thể huy động sử dụng trên chiến trường trong trường hợp cần thiết. Trong đó bao gồm các đầu đạn có thể phóng bằng máy bay, hệ thống pháo và tên lửa tầm ngắn như Iskander-M với tầm bắn lên tới 500 km.
Mặc dù thông tin chi tiết về những vũ khí này không được cung cấp rõ ràng, nhưng chúng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ khu vực của Nga.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cap-nhat-kho-vu-khi-hat-nhan-toan-hang-khung-cua-nga-296193.html