Qua góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, nhiều ý kiến của lãnh đạo UBND cấp huyện, sở ngành chức năng quan tâm đến quyền của người sử dụng đất khi tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn đời sống còn khó khăn, để con cái của người nông dân khi lập gia đình có điều kiện xây nhà ở.
Cập nhật biến động đất khu vực nông thôn
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết: Quy định tách thửa tại Điều 214, tại Điểm c, khoản 1 có nội dung: “…Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách ra phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng”. Điểm d khoản 1 quy định “Việc tách thửa đất chỉ được thực hiện khi người sử dụng đất (SDĐ) thực hiện quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”. Ông Nguyễn Hữu Phước nói: “Như vậy đối với thửa đất nông nghiệp trong khu dân cư thì việc chuyển mục đích SDĐ ở để làm nhà ở là không thực hiện được, vì phải tách ra thành thửa riêng và thực hiện đồng thời việc chuyển quyền theo khoản 1 Điều 28. Ví dụ, cha mẹ có thửa đất nông nghiệp trong khu dân cư đã cho con, nay con có gia đình riêng muốn chuyển mục đích một phần sang đất ở để làm nhà, theo dự thảo Luật sẽ không thực hiện được. Thực tế tại các khu dân cư nông thôn ở 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh, dân cư thưa thớt nên có nhiều thửa đất nông nghiệp xen kẽ. Do vậy dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để tạo điều kiện cho người dân khi chia đất cho con ở riêng; phù hợp với vùng nông thôn, vùng điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn”. Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh đề xuất: “Đối với trường hợp chuyển một phần thửa đất nông nghiệp sang đất ở thì được cập nhật biến động lên thửa đất, có thể hiện vị trí từng loại đất trong cùng thửa đất để thuận lợi trong sử dụng, quản lý, tránh phát sinh việc hình thành các thửa đất nhỏ. Hơn nữa việc cập nhật biến động đối với trường hợp chuyển mục đích SDĐ phù hợp với quy định tại Điều 129 quy định về đăng ký biến động đất đai”.
Cơ chế phù hợp cho tập trung đất nông nghiệp
Theo quy định tại khoản 4 Điều 185 về tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật nêu: “Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ quyết định”. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam nêu kiến nghị: “Tuy nhiên, trên thực tế đối với trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện theo thủ tục của pháp luật về đầu tư không? Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ sẽ quyết định điều gì khi xem xét phương án SDĐ? Tiêu chí để quyết định là gì? Trình tự, thủ tục như thế nào? Mối quan hệ giữa thủ tục này với thủ tục của pháp luật về đầu tư như thế nào? Đây là quy định về mặt thủ tục có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện, trái với xu hướng cải cách về thủ tục hành chính, do vậy cần quy định rõ vấn đề trên”. Các đại biểu địa phương khác cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi hết thời hạn được tiếp tục sử dụng thêm vòng đời của thời hạn 50 năm nữa, mà không cần làm thủ tục gia hạn; trừ trường hợp Nhà nước đưa diện tích đất hết hạn sử dụng vào kế hoạch SDĐ hoặc có quyết định thu hồi đất; tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp SDĐ ổn định, lâu dài.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Thông đồng tình với đóng góp của các đại biểu trong tỉnh cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; đồng thời tổng hợp để có ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (cho ý kiến lần 2 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) đang diễn ra ở Hội trường Diên Hồng (Hà Nội), góp phần hoàn chỉnh bộ luật quan trọng này.