Cuộc so kè quyết liệt, đến giờ vẫn không thể đoán định ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ đắc cử để trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
Không khí bầu cử Mỹ từ vũ trụ
Những phi hành gia của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 5.11 đăng hình ảnh hưởng ứng ngày bầu cử từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Các phi hành gia mặc những chiếc áo mang màu sắc quốc kỳ Mỹ, với 2 người mang đôi tất có dòng chữ “Tự hào là người Mỹ”.
Phi hành gia Butch Wilmore, Suni Williams và Don Pettit đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống khi đang ở ISS, Đài CNN dẫn thông tin từ Văn phòng thư ký tòa án hạt Harris, bang Texas.
Để bỏ phiếu, các phi hành gia Mỹ đã gửi dữ liệu phiếu bầu về trái đất tương tự khi truyền dữ liệu giữa trạm vũ trụ và trung tâm kiểm soát mặt đất, đó là thông qua Mạng lưới không gian gần của NASA, một tập hợp các vệ tinh trong không gian kết nối với các ăng ten tại trái đất.
Tại cuộc họp báo hồi 13.9 từ ISS, bà Suni Williams cho biết: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của chúng tôi với tư cách công dân và chúng tôi mong muốn có thể bỏ phiếu từ vũ trụ, điều này thật thuyệt”.
Đội ngũ của bà Harris gõ cửa 100.000 nhà dân Pennsylvania
Các quan chức thuộc chiến dịch tranh cử của bà Harris cho biết đội ngũ của họ đã gõ cửa 100.000 nhà dân tại bang Pennsylvania trong sáng 5.11 để kêu gọi người dân đi bỏ phiếu.
“Chúng tôi đang đảm bảo rằng mình đã đi qua từng tấc đất của cánh đồng. Nhiệm vụ là gõ cửa từng nhà cho đến giờ cuối”, một vị cố vấn của bà Harris nói với CNN.
Trong ngày vận động 4.11, phó tổng thống cũng đã đến nhà một số người dân ở Pennsylvania để kêu gọi họ đi bỏ phiếu, cho rằng đây là một trong những kỳ bầu cử sít sao nhất và mọi lá phiếu đều quan trọng.
Pennsylvania được cho là đóng vai trò quan trọng nhất trong số 7 bang chiến trường bởi có số phiếu đại cử tri nhiều hơn các bang còn lại.
Ông Trump bỏ phiếu tại Florida, bà Harris có hoạt động đầu tiên trong ngày bầu cử
Cựu Tổng thống Donald Trump vừa bỏ phiếu tại Florida, CNN đưa tin. Ông Trump đến điểm bỏ phiếu tại Palm Beach cùng phu nhân Melania.
Ứng cử viên đảng Dân chủ đã trả lời phỏng vấn trong một chương trình phát thanh vào sáng 5.11. Trong đó, bà Harris cho biết sẽ ăn tối cùng gia đình “như truyền thống” trước khi dự buổi tiệc theo dõi kết quả tại Đại học Howard ở Washington D.C, ngôi trường nơi bà từng học, theo CNN. “Và trong ngày, tôi sẽ dành cả ngày để trò chuyện với mọi người và nhắc họ đi bỏ phiếu. Tôi sẽ thúc giục mọi người nên nhớ rằng trong nền dân chủ của chúng ta, người dân phải quyết định và lá phiếu của các bạn là quyền lực của các bạn”, bà Harris nói với đài tại Pittsburgh (bang Pennsylvania).
Trong một cuộc phỏng vấn khác với đài tại Atlanta (bang Georgia), bà Harris cũng kêu gọi người dân Georgia đi bỏ phiếu. “Chúng ta phải hoàn thành nó. Hôm nay là ngày bỏ phiếu và người dân cần ra ngoài và tích cực lên”, ứng viên đảng Dân chủ nói.
Nói với giới báo chí sau khi bỏ phiếu, ứng viên đảng Cộng hòa cho rằng ông đã có “một chiến dịch tuyệt vời”. “Tôi nghĩ rằng đây có lẽ là chiến dịch tốt nhất trong 3 lần (tranh cử). Chúng tôi đã làm tốt trong lần đầu. Chúng tôi làm tốt hơn trong lần 2 nhưng điều gì đó đã xảy ra. Tôi muốn nói đây là chiến dịch tốt nhất mà chúng tôi đã thực hiện”, vị cựu tổng thống nói. Đến nay, ông vẫn không chấp nhận kết quả năm 2020 và từ chối ý định này trong cuộc bầu cử 2024.
Sơ tán điểm bỏ phiếu vì đe dọa có bom
Hai điểm bỏ phiếu tại quận Fulton, bang Georgia đã bị sơ tán trong khoảng 30 phút sau khi các quan chức bầu cử nhận được 5 lời đe dọa đánh bom, theo CNN. Sau khi kiểm tra, các quan chức xác nhận lời đe dọa không đáng tin và hoạt động bỏ phiếu được khôi phục. Các quan chức đang đề nghị tòa án gia hạn thêm giờ bỏ phiếu tại 2 địa điểm này.
Trong khi đó, website để cử tri Florida kiểm tra tình trạng đăng ký bỏ phiếu của họ bị trục trặc vào sáng 5.11 và các quan chức đang tìm cách khắc phục.
Tại nhiều khu vực bầu cử thuộc hạt Bedford ở bang Pennsylvania, các máy đếm phiếu gặp trục trặc và đang được khắc phục. Sự việc không ảnh hưởng việc bỏ phiếu của cử tri.
Trong khi đó, nước ngập do mưa lớn những ngày qua đã làm cúp điện tại một điểm bỏ phiếu ở hạt St. Louis, bang Missouri. Tại hạt Jefferson, cảnh sát cho biết nhiều người không thể đến điểm bỏ phiếu do nước ngập, theo tờ The Guardian.
FBI cảnh báo mối đe dọa bầu cử
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang theo dõi các mối đe dọa hình sự đối với nhân viên và các cơ sở bầu cử từ một sở chỉ huy. Theo ABC News, sở chỉ huy này có 80 nhân viên từ hơn chục cơ quan, hoạt động 24/24 giờ và sẽ duy trì cho đến ít nhất 9 ngày sau bầu cử.
“Sở chỉ huy này là nơi để chúng tôi đưa lực lượng chuyên gia với tất cả các chuyên môn đến, cộng với các đối tác về tình báo và các mối đe dọa. Chúng tôi có thể phân tán thông tin cho các đối tác quan trọng gồm các quan chức bang và địa phương trên khắp nước Mỹ”, phó trợ lý giám đốc đơn vị điều tra hình sự của FBI Jim Barnacle nói.
Cơ quan đang tập trung vào các mối đe dọa hình sự như đe dọa nhân viên bầu cử, sự ảnh hưởng của nước ngoài, các mối đe dọa trên mạng và hành động bạo lực.
Trong ngày 5.11, FBI đã cảnh báo về một đoạn video mạo danh cơ quan này nói với các cử tri rằng họ nên bỏ phiếu từ xa vì nguy cơ khủng bố cao tại các điểm bỏ phiếu. Một video khác giả mạo thông cáo báo chí của FBI, cho rằng quản lý các nhà tù tại nhiều bang chiến trường can thiệp lá phiếu của tù nhân và cấu kết với một trong các đảng phái chính trị.
FBI chưa xác định đối tượng đứng sau những hành vi giả mạo này.
Ông Vance bỏ phiếu tại Ohio
Thượng nghị sĩ J.D. Vance, ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, đã bỏ phiếu trực tiếp tại thành phố Cincinnati, bang Ohio vào sáng 5.11. Theo CNN, vị thượng nghị sĩ xuất hiện với tinh thần thoải mái khi đến nhà thờ St. Anthony Padua để bỏ phiếu cùng phu nhân và con. “Tôi cảm thấy tốt về cuộc đua này”, ông Vance nói.
“Chúng tôi mong đợi sẽ thắng”, ông Vance nói với các phóng viên bên ngoài điểm bỏ phiếu. “Nhưng rõ ràng là bất kể ai thắng, một nửa đất nước sẽ phần nào đó thất vọng, tôi nghĩ thái độ của tôi là cách tốt nhất để hàn gắn rạn nứt trong nước và sẽ cố gắng điều hành đất nước tốt nhất có thể”.
Vị ứng viên cho biết sẽ lên đường đến Palm Beach, bang Florida trong ngày để cùng người liên danh tranh cử Donald Trump theo dõi kết quả.
Tổng chưởng lý 47 bang kêu gọi giữ hòa bình giữa và sau bầu cử
Ngày 5.11, tổng chưởng lý từ 47 bang và ba vùng lãnh thổ của Mỹ ra tuyên bố kêu gọi người dân giữ thái độ ôn hòa và chủ động “lên án mọi hành vi bạo lực liên quan đến kết quả bầu cử”. Có 3 tổng chưởng lý không ký vào tuyên bố này gồm 3 bang Indiana, Montana và Texas.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ hãy bỏ phiếu, tham gia vào các cuộc thảo luận dân sự và trên hết là tôn trọng tính toàn vẹn của tiến trình dân chủ… Bạo lực không có chỗ trong tiến trình dân chủ. Chúng tôi sẽ sử dụng thẩm quyền của mình để thực thi luật pháp chống lại bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào đe dọa đến nó”.
Ông Biden xem kết quả ở Nhà Trắng
Theo CNN, Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill Biden tương đối ít nổi bật trong những ngày gần đây và cũng sẽ tiếp tục như vậy trong ngày bầu cử. Nhà lãnh đạo sẽ theo dõi kết quả bầu cử tại Nhà Trắng cùng các trợ lý.
Ông Trump và bà Harris ở đâu trong ngày bầu cử?
Sau cuộc vận động chót tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan đến tận 2 giờ sáng 5.11, ông Trump đã quay về nhà ở bang Florida và sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp tại đây. Theo dự kiến, ông sẽ có một buổi tiệc theo dõi kết quả bầu cử tại thành phố Palm Beach vào tối 5.11 (giờ địa phương).
Trong khi đó, bà Kamala Harris dự sự kiện vận động cuối tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania vào tối 4.11 và đã quay lại Washington D.C. Văn phòng của bà thông báo nữ phó tổng thống sẽ tham dự các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trong ngày bầu cử, theo CNN. Bà cũng sẽ dự tiệc theo dõi kết quả tại Đại học Howard ở Washington D.C vào tối 5.11. Đó là nơi bà lấy bằng cử nhân kinh tế và khoa học chính trị vào năm 1986. Bà Harris đã bỏ phiếu qua thư và lá phiếu đã được gửi về quê nhà California của bà.
Người Mỹ lo bạo lực sau bầu cử
Khi hàng triệu người Mỹ đổ về các địa điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước, các quan chức bầu cử và cơ quan thực thi pháp luật đang tập trung vào việc quản lý một cuộc bầu cử công bằng và an toàn trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa, thông tin sai lệch trực tuyến và khả năng xảy ra một cuộc chiến pháp lý khốc liệt trong những tuần tới.
Ngoài các sự cố thường thấy trong ngày bầu cử như phải xếp hàng dài, thời tiết, năm nay, những người làm công tác bầu cử phải đối mặt với thách thức bổ sung là môi trường đe dọa gia tăng và một loạt các vụ kiện tụng liên quan đến các quy tắc bỏ phiếu và kiểm phiếu.
Theo truyền thông Mỹ, các cơ sở kinh doanh quanh Nhà Trắng ngày 5.11 tiếp tục lắp những tấm ván bảo vệ cửa sổ và dựng hàng rào bên ngoài nhằm đề phòng bạo lực sau bầu cử.
Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowsew cho biết cảnh sát đã tăng cường hiện diện tại các khu vực thương mại.
Cử tri xếp hàng đi bỏ phiếu
Tới 7 giờ sáng (tức 19 giờ theo giờ Việt Nam), thêm nhiều tiểu bang tiếp tục mở cửa các điểm bỏ phiếu để cử tri đi bầu. Các hãng truyền thông đã ghi nhận nhiều người xếp hàng tại các điểm bầu cử.
Giới chức bầu cử kêu gọi cử tri không tin thuyết âm mưu
Các quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ – đặc biệt là ở các bang chiến địa – đã cam kết duy trì tính trung thực của cuộc bỏ phiếu và kêu gọi cử tri không bị các thuyết âm mưu đánh lừa, theo CNN.
Bang vụ khanh Georgia Brad Raffensperger nói: “Tại Georgia, bỏ phiếu dễ dàng và khó gian lận. Hệ thống của chúng tôi được bảo mật và nhân viên của chúng tôi đã sẵn sàng”.
Cuộc bầu cử năm 2024 đã có những cáo buộc từ ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa khác rằng cuộc bỏ phiếu là “gian lận”. Ứng viên Trump đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố rằng đảng Dân chủ đang gian lận trong cuộc bầu cử và ông ấy đã đưa các vấn đề riêng lẻ liên quan việc bỏ phiếu nhằm khiến những người ủng hộ ông tin rằng cuộc bầu cử là không hợp pháp nếu ông ấy thua, theo CNN.
Thời tiết xấu ở một số bang Mỹ ngày bầu cử
Theo CNN, mưa lớn được ghi nhận ở Texas và khu vực giáp ranh Missouri-Illinois. Một số cảnh báo lũ quét cũng được ban bố.
Thời tiết xấu có thể ảnh hưởng tới việc đi lại của cử tri vào đầu giờ sáng khi các điểm bầu cử mở cửa.
Bang chiến địa Wisconsin có thời tiết xấu nhất trong số các bang chiến địa khi có dự báo bão.
Mở cửa các điểm bỏ phiếu trên nước Mỹ
Từ 6 giờ sáng (tức 17 giờ theo giờ Việt Nam), một loạt bang như Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York, Virginia đã mở cửa các điểm bầu cử để cử tri đi bỏ phiếu. Các bang khác cũng lần lượt mở cửa sau đó nửa tiếng, một tiếng hoặc 2 tiếng.
Hơn 240 triệu người Mỹ đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm nay. Tính đến giờ này có hơn 79 triệu người đã bỏ phiếu sớm qua thư hoặc trực tiếp.
Tăng cường an ninh ngày bầu cử
Công tác tăng cường an ninh tại Mỹ đã được triển khai khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 5.11, sau khi trước đó xuất hiện đe dọa nhằm vào nhân viên bầu cử.
Một số điểm bỏ phiếu tại các thành phố và vùng nông thôn đã tăng cường những biện pháp an ninh, bao gồm dựng rào chắn bê tông, cửa có khóa. Có những văn phòng phụ trách bầu cử, đặc biệt ở 7 bang chiến địa của Mỹ, đã lắp kính chống đạn, nút báo động và camera giám sát để bảo vệ nhân viên trước những lo ngại bạo lực, trang Axios đưa tin ngày 4.11.
Các nhân viên kiểm phiếu cũng được đào tạo về cách xử lý tình huống trong trường hợp xảy ra căng thẳng vào đêm bầu cử (sáng 6.11 theo giờ Việt Nam).
Tờ The Washington Post ngày 4.11 đưa tin các quan chức địa phương có kế hoạch triển khai lính bắn tỉa tại các điểm kiểm phiếu quan trọng, cùng với đó là sử dụng máy bay không người lái để quan sát tình hình.
Lực lượng Vệ binh quốc gia đang trực chiến tại các tiểu bang Washington, Oregon và Nevada, đặc biệt sau vụ việc thùng phiếu tại Oregon và Nevada bị đốt cháy. Tại bang Colorado, Thống đốc Jared Polis đã triển khai đội an ninh mạng của Vệ binh quốc gia, điều tương tự cũng diễn ra ở bang Connecticut.
Số đại cử tri ở 13 bang thay đổi
Số lượng đại cử tri được phân bổ cho mỗi tiểu bang theo số ghế nghị sĩ của tiểu bang trong quốc hội lưỡng viện, tức bằng tổng số ghế trong thượng viện và hạ viện Mỹ. Số ghế của mỗi bang trong thượng viện cố định là 2, trong khi số ghế trong hạ viện thay đổi theo quy mô dân số.
Tổng cộng có 538 đại cử tri trên toàn quốc. Năm 2024, một số bang có sự tăng giảm số đại cử tri so với kỳ bầu cử năm 2020.
Cụ thể, Texas có thêm 2 đại cử tri. Các bang Colorado, Florida, Montana, North Carolina, và Oregon, mỗi bang thêm 1. Trong khi đó, California, Illinois, Michigan, New York, Ohio, Pennsylvania và West Virginia mỗi bang mất 1 phiếu đại cử tri so với năm 2020.
Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ và chuyện “được ăn cả, ngã về không”.
7 bang chiến địa của cuộc bầu cử năm 2024
Năm nay, 7 bang chiến địa được hai ứng viên đặc biệt quan tâm gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Arizona, Nevada, Bắc Carolina và Georgia.
Cả ông Trump và bà Harris tốc lực vận động ở bang chiến địa cho đến giờ chót để giành từng lá phiếu.
Chưa có ai chắc thắng ở bang chiến địa
Ông Trump và bà Harris đang có cuộc so kè sít sao chưa từng có. Trên phạm vi toàn quốc lẫn các bang chiến địa đều không cho thấy ứng viên nào có lợi thế vượt trội. Các bang chiến địa được đánh giá là sẽ định đoạt kết quả cuối cùng.
Liên tục các cuộc khảo sát và thăm dò trước ngày bầu cử đều cho thấy tình thế cân bằng của cả hai khi độ chênh nằm trong phạm vi sai số.
Ông Trump vận động tới 2 giờ sáng ngày bầu cử
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump kết thúc cuộc vận động cuối cùng vào lúc 2 giờ 10 phút ngày 5.11 (giờ địa phương) tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan, theo báo The Guardian.
Ông Trump phát biểu liên tục trong gần 2 giờ, lặp lại nhiều cam kết tranh cử như ban hành thuế nhập khẩu và xử lý triệt để người nhập cư trái phép, bảo vệ tự do tôn giáo, quyền mang súng đạn.
“Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến đấu và sẽ thắng. Hôm nay, 5.11 sẽ là ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Tôi yêu tất cả các bạn. Cầu Chúa phù hộ cho các bạn, cho Michigan, cho Hiệp chủng quốc Liên bang Hoa Kỳ”, ông Trump kết thúc bài phát biểu.
Trước đó, trong ngày 4.11, ông tham dự các sự kiện giờ chót tại 3 tiểu bang Bắc Carolina, Pennsylvania và Michigan. Bài phát biểu dài của ông tại Grand Rapids là dấu chấm cho chiến dịch vận động dài hơi.
Bà Harris vận động ở Pennsylvania
Phó tổng thống Kamala Harris có sự kiện vận động cuối cùng tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania vào tối 4.11 (giờ địa phương), theo CNN. Trong bài phát biểu, ứng viên đảng Dân chủ cho biết đội ngũ của bà lạc quan và phấn khích, song cũng kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu và cho rằng Pennsylvania có thể định đoạt kết quả cuộc bầu cử.
“Cuộc đua chưa kết thúc và chúng ta phải về đích mạnh mẽ. Đây có thể là một trong những cuộc đua sít sao nhất trong lịch sử. Mỗi lá phiếu đều quan trọng. Với chỉ vài giờ nữa, chúng ta vẫn còn việc phải làm và như các bạn đã nghe tôi nói trước đây, chúng ta thích làm việc chăm chỉ”, bà Harris nói.
Cặp đấu Trump – Harris hòa nhau ở điểm bầu cử đầu tiên
Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump có số phiếu ngang nhau tại một thị trấn nhỏ thuộc bang New Hampshire, một trong những nơi đầu tiên có kết quả và khởi động ngày bầu cử tổng thống Mỹ trên cả nước.
Thị trấn Dixville Notch nằm gần biên giới với Canada ở mũi phía bắc của New Hampshire đã mở và đóng điểm bỏ phiếu ngay sau nửa đêm (giờ địa phương) theo truyền thống có từ năm 1960.
Có 4 đảng viên Cộng hòa và hai cử tri không khai đảng phái bỏ phiếu đã tham gia. Kết quả cho thấy bà Harris và ông Trump mỗi người được 3 phiếu.
Ứng viên Dân chủ gõ cửa nhà cử tri
Trong lịch trình dừng chân tại thành phố Reading, Pennsylvania hôm 4.11, bà Harris đã đến khu dân cư gõ cửa nhà dân nhằm vận động ủng hộ cho bà trong ngày bầu cử. Khi đến ngôi nhà đầu tiên, bà Harris gặp gỡ hai vợ chồng cùng người con trai của họ đang chờ sẵn trước sân, chào đón phó tổng thống, The Hill đưa tin.
Ở ngôi nhà thứ hai, bà Harris đến bấm chuông và đứng đợi trước cửa nhà, sau đó cặp vợ chồng xuất hiện, người vợ mở cửa và đến ôm lấy bà Harris.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ nói với cặp vợ chồng: “Tôi muốn ghé qua và nói rằng tôi hy vọng nhận được lá phiếu từ các bạn”. Người vợ đáp lời: “Tôi đã bỏ phiếu cho bà rồi”, chia sẻ thêm người chồng cũng sẽ đi bỏ phiếu cho bà Harris vào ngày 5.11.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm một lần sẽ giúp tìm ra chủ nhân Nhà Trắng – người dẫn dắt đất nước. Năm nay, cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 5.11.
Hai ứng viên là cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và Phó tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ. Cuộc đua đến giờ chót vẫn sít sao, không ai có lợi thế vượt trội.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/cac-diem-bo-phieu-da-mo-cap-nhat-ngay-tinh-hinh-bau-cu-tong-thong-my-185241105160550141.htm