Câu chuyện về cấp điện cho Côn Đảo vẫn đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học với nhiều ý kiến tranh luận. PV. VietNamNet phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Điện mặt trời sẽ hỏng cảnh quan, phá rừng?
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về các phương án cấp điện cho Côn Đảo đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Kéo cáp ngầm ra Côn Đảo là phương án hợp lý nhất và hiệu quả nhất. Điện lưới được kéo cáp ngầm từ đất liền ra đảo sẽ sử dụng các nguồn điện ổn định, trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Trong tương lai, tôi đánh giá sản xuất điện từ công nghệ hydrogen xanh là tốt nhất. Tức sử dụng điện mặt trời, điện gió để chiết xuất nhiên liệu hydro từ nước biển, phục vụ việc phát điện và các mục đích khác.
Tại sao ta lại phải chuyển năng lượng tái tạo từ trong bờ ra Côn Đảo? Bởi vì Côn Đảo có vị trí cực kỳ đặc biệt. Côn Đảo là vườn quốc gia và khu bảo tồn biển. Diện tích bảo tồn biển của Việt Nam hiện nay rất thấp, thấp một cách đáng kinh ngạc. Trong khi Việt Nam đã ký Công ước về đa dạng sinh học, yêu cầu tất cả các quốc gia trên thế giới phải dành 10% diện tích biển để bảo tồn. Nhưng đến nay, Việt Nam mới có khoảng 0,25% diện tích mặt biển dành cho bảo tồn, thấp hơn tới 50 lần so với Công ước Việt Nam đã ký.
– Tại sao công tác bảo tồn lại quan trọng như vậy, thưa ông?
Vì việc đánh bắt trên biển làm suy giảm nguồn lợi thủy hải sản một cách nghiêm trọng. Chỉ có thể bảo tồn được nguồn lợi thủy hải sản thì mới tạo ra được sinh kế bền vững, khai thác bền vững nguồn lợi hải sản cho hiện tại và thế hệ tương lai.
Trên thế giới đang thảo luận một mốc mới bảo tồn biển lên tới 20% vùng biển quốc gia. Cho nên, vùng biển Côn Đảo là vùng cực kỳ quan trọng vì có rạn san hô, thảm thực vật biển, rừng ngập mặn,… Bắt buộc phải bảo tồn để đảm bảo nguồn lợi thủy sản cho quốc gia.
Cho nên, việc triển khai điện gió ngoài khơi cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản này. Nếu các tuabin điện gió không đảm bảo đủ xa từ bờ sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của đảo. Đặc biệt, các tuabin điện gió trên đảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan Côn Đảo.
Một số nghiên cứu ở Anh, Mỹ cho thấy các tuabin điện gió có thể làm giảm hơn 25% lượng khách tới những khu du lịch, nếu từ đó nhìn thấy các tuabin điện gió.
Còn việc phát triển điện mặt trời trên Côn Đảo đối diện với việc không có đất, bởi Côn Đảo có diện tích lớn rừng đặc dụng. Hơn nữa, những tấm panel điện mặt trời, kể cả điện mặt trời áp mái, cũng làm xấu cảnh quan của Côn Đảo. Đối với các khu du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan là quan trọng nhất.
Như vậy, việc kéo cáp ngầm ra Côn Đảo không chỉ phục vụ mục đích hiện tại mà còn cho cả tương lai, đảm bảo cung cấp đủ điện cho Côn Đảo với chi phí thấp nhất và không tạo ra xung đột với những ngành kinh tế quan trọng nhất của Côn Đảo cần khai thác trong tương lai. Thứ nhất là bảo tồn, thứ hai là phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở bảo tồn.
Điện than đang giảm, cáp ngầm chuyển cả điện sạch
– Ông nói rằng kéo điện lưới ra Côn Đảo là cách để chuyển năng lượng tái tạo từ trong bờ ra Côn Đảo. Nhưng có ý kiến cho rằng, hơn 40% sản lượng điện hiện nay là từ nhiệt điện, không thân thiện môi trường, do đó kéo điện lưới ra đảo cũng là kéo dòng điện không thân thiện này ra đảo. Ông đánh giá sao về điều này?
Hiện tại, số liệu đó là đúng. Nhưng giờ công nghệ điện than đã cho phép lọc bỏ hầu như toàn bộ bụi mịn và các khí độc. Cho nên, ô nhiễm điện than, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nêu rõ chủ yếu là phát thải khí nhà kính. Khí nhà kính phát thải từ điện than là cực kỳ lớn và COP26 cho hay sau năm 2030, nếu các nhà máy điện than không có thiết bị thu và lưu trữ khí nhà kính sẽ không được xây mới.
Thực tế, lượng điện than Việt Nam sản xuất khoảng trên 40%, nhưng chúng ta đang có lộ trình giảm thiểu. Cùng với công nghệ lưu trữ, hydrogen xanh thì trong tương lai lượng điện gió, mặt trời sẽ tăng lên nhanh. Nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, nếu không có nguồn điện ổn định sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cho nên, đảm bảo nguồn điện ổn định là yêu cầu tối quan trọng trong việc phát triển điện lực quốc gia.
Với công nghệ hydrogen xanh, ta hoàn toàn tin tưởng được trong tương lai nguồn điện than sẽ được thay thế bằng điện gió, điện mặt trời. Nguồn điện gió, điện mặt trời này với công nghệ lưu trữ ổn định hoàn toàn có thể phát huy tác dụng trong thời gian tới.
– Ông có nhấn mạnh đến yếu tố cấp điện ổn định. Trong các phương án đưa ra, EVN cũng phân tích nhiều đến nhược điểm của điện tái tạo là không ổn định. Điện mặt trời chỉ phát được ban ngày, còn điện gió trên bờ cũng đã có số liệu chứng minh rằng chỉ phát được 50-60% công suất thiết kế. Theo ông, đây có phải là vấn đề đáng quan tâm khi phân tích các phương án cấp điện cho Côn Đảo?
Thực ra điện gió trên bờ phát được 50-60% công suất thiết kế cũng là giỏi lắm rồi. Bởi để đảm bảo sử dụng được điện gió, điện mặt trời, phải có nguồn điện dự phòng với công suất phát điện gần tương đương nhu cầu sử dụng điện của quốc gia hoặc của vùng. Nguồn điện dự phòng này phải phát được ngay lập tức bù vào những lúc điện gió, điện mặt trời không phát được.
Những nguồn điện này được đầu tư, song không được phát liên tục thì giá thành sẽ rất cao. Giá cao này về mặt nguyên tắc phải tính cho điện gió, điện mặt trời vì nguồn này được dùng để hỗ trợ cho điện gió, điện mặt trời.
Bởi vậy, việc EVN suy xét nếu sử dụng điện gió, điện mặt trời thì không có được nguồn điện ổn định là rất đúng.
Hệ thống lưu trữ điện hiện nay hoàn toàn chưa cho phép lưu trữ trên quy mô lớn như vậy. Bản thân hệ thống lưu trữ đó, ngoài giá thành rất cao, cần yêu cầu không gian lớn. Hết thời hạn sử dụng, ắc quy lưu trữ cực kỳ khó tìm phương án xử lý vì có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
– Như vậy, ông đánh giá phương án kéo điện lưới ra Côn Đảo bằng cáp ngầm là tối ưu?
Chính xác là như vậy.
– Xin cảm ơn ông!