Về khu tái định cư thôn Duệ Thôn, xã Định Tiến (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) những ngày giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, mới vào đầu xóm thôi đã nghe tiếng ríu rít của lũ trẻ con cùng với các cụ già đang bán rau đầu ngõ. Con đường bê tông khang trang dẫn từ triền đê sông Mã vào tới từng hộ gia đình ở khu xóm Mới.
Xóm Mới là cái tên thân thuộc được người dân ở xã đặt cho khu tái định cư thôn Duệ Thôn. 75 hộ dân sinh sống trên sông ở xã Định Tiến được Nhà nước cấp đất ở từ năm 2018. 100% hộ dân đều là người Công giáo thuộc Giáo xứ Cự Khánh, từ đời ông cha đã sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông. Ước mơ có một mảnh đất, ngôi nhà để sinh sống ổn định với nhiều gia đình thật xa vời. Mỗi gia đình với chiếc thuyền nhỏ, cứ lênh đênh hết khúc sông này tới con sông khác. Những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trên chiếc thuyền chỉ chừng chục mét vuông và cứ thế theo cha mẹ lênh đênh sông nước mà chẳng biết tới học hành là gì.
Rất nhiều hộ gia đình cũng mong muốn lên bờ, có một mảnh đất ngôi nhà của riêng mình để con cái được đến trường. Nhưng với đàn con đông chỉ lo từng bữa ăn thôi đã là quá sức với nhiều cặp vợ chồng. “Khát vọng lên bờ” cũng đành gác lại để lo cuộc sống mưu sinh.
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, nhiều gia đình thuyền chài được cấp đất ở đã an cư, lạc nghiệp, trẻ em được tới trường trong đó có 75 hộ ở xã Định Tiến. Mỗi hộ được cấp 125m2 đất ở, sống tập trung có hệ thống đường, điện, nước đầy đủ.
Gặp bác Nguyễn Văn Dung sinh năm 1962 ở khu xóm Mới, thôn Duệ Thôn, bác phấn khởi cho biết: Năm 2018, được Đảng và Nhà nước quan tâm gia đình tôi được cấp 125m2 đất ở miễn phí. Hiện 11 nhân khẩu của gia đình đều đang sinh sống ở đây, 5 cháu nội được đi học đầy đủ. Vẫn còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi lên bờ ở nhưng có ổn định chỗ ở thì mới tập trung phát triển kinh tế được.
Hồi tưởng lại một thời lênh đênh sông nước, bác Dung kể từ khi biết nhận thức tôi đã nhớ khi ông mình còn sống, gia đình ba thế hệ trên chiếc thuyền nan chỉ bằng cái giường cứ thế thả lưới kiếm con cá con tôm đổi gạo, rau sống qua ngày. Cũng chẳng biết đã bao đời sống bằng nghề sông nước rồi. Khi tôi lấy vợ sinh được sáu người con, vợ chồng con cái cứ thế đi hết các con sông ở miền Bắc, cũng không đứa nào được học hành tử tế. Cuộc sống khó khăn trăm bề, chỉ lo bữa ăn hàng ngày cho 8 người đã là quá sức. Chưa bao giờ vợ chồng tôi nghĩ có mảnh đất, ngôi nhà cho riêng mình.
“Con gái đầu của tôi cũng bị chết đuối năm 3 tuổi. Còn nhớ hôm đó, lưới đánh cá bị rách tôi ngồi ở mũi thuyền vá lưới, mấy đứa trẻ con tự chơi với nhau, khi nhớ tới con tìm trên thuyền đã không thấy cháu đâu nữa, đó là nỗi day dứt suốt mấy chục năm qua không nguôi của hai vợ chồng tôi. Giờ các cháu nội được lên bờ, không còn nguy hiểm sông nước rình rập, tôi yên tâm lắm” – bác Dung bồi hồi.
Trong khu xóm Mới, gia đình anh Nguyễn Văn Cường cũng đang khẩn trương sửa sang lại ngôi nhà để vợ chồng con cái ổn định cuộc sống. Niềm vui sự phấn khởi lộ rõ trên khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ.
Tuy vậy, có không ít trường hợp sau khi được bố trí tái định cư, hỗ trợ làm nhà, vẫn quay lại bến sông để mưu sinh vì chưa có việc làm hoặc thu nhập bấp bênh… Nhiều vợ chồng trẻ gửi cháu cho ông bà chăm sóc, vay mượn đóng tàu thuyền lớn đi ra các tỉnh ngoài làm kinh tế.
Ông Lê Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Định Tiến cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ huyện ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, UBND xã đã rà soát, lập danh sách phối hợp cùng các cấp các ngành cấp đất ở cho 75 hộ sinh sống trên sông. Hiện các hộ đã làm nhà, sinh sống ổn định, nhiều hộ đã chuyển đổi nghề nghiệp. Việc cấp đất ở, ổn định cuộc sống cho các hộ là tiền đề để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên ông Toàn cũng trăn trở khi nhiều hộ dân sau khi lên bờ chưa tìm được việc làm ổn định, nên tiếp tục mưu sinh bằng nghề sông nước. Mặt khác việc dân chài sinh sống trên sông đã trở thành tập tục lâu đời, nên rất khó bỏ trong ngày một, ngày hai. Một số lao động sau khi lên bờ không biết chữ nên rất khó khăn để tìm việc làm. Vì vậy, các cấp chính quyền cũng xác định phải “lấy ngắn nuôi dài”, hi sinh một thế hệ để ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho thế hệ sau.
Từ năm 2018 đến nay, toàn xã Định Tiến đã đưa được 75 hộ thuyền chài với gần 280 nhân khẩu lên sinh sống ở khu tái định cư rộng khoảng 1,5 ha. Trước khi lên bờ, hầu hết các gia đình đều không biết chữ và thuộc diện hộ nghèo của xã. Hiện chỉ còn 4/75 hộ nghèo, 40% người ở độ tuổi lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp, trẻ em được tới trường, cuộc sống của các hộ đều cơ bản ổn định.
Theo thống kê của huyện Yên Định, tính đến tháng 08/2022, toàn huyện có 138/179 hộ nghèo sinh sống trên sông thuộc diện cấp đất ở, hỗ trợ xây nhà ở ổn định cuộc sống, với tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng. Trong đó có 136 hộ dân với 519 nhân khẩu đã xây nhà và có cuộc sống ổn định.