Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, cả nước sẽ bước vào đợt nghỉ lễ nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Do thực hiện hoán đổi ngày làm, nên với dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, người lao động có tới 5 ngày nghỉ liên tục, chỉ kém dịp nghỉ Tết Âm lịch 2024 đúng 2 ngày.
Mặc dù sẽ không lớn như các đợt “xuân vận”, nhưng dự báo, nhu cầu đi lại của người dân từ Hà Nội, từ TP.HCM về quê hoặc tới các điểm du lịch vẫn rất lớn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc duy trì giao thông thông suốt, đảm bảo trật tự, an toàn cho người dân trong thời gian nghỉ dài hiếm có này.
Do năm nay, giá vé máy bay nội địa ở mức cao, dù các hãng hàng không đã tăng thêm nhiều chuyến bay nội địa đến các điểm du lịch, cộng thêm nhiều tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, nên sẽ có nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.
Dự kiến, các tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tới là Hà Nội – Thanh Hóa – Nghệ An; Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; Hà Nội – TP. Lào Cai – Sa Pa; TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết; TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận; Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị…
Không chỉ là phép thử lớn trong công tác điều hành, kiểm soát giao thông cho các cơ quan chức năng, việc đi lại trên các tuyến cao tốc nói trên cũng là thử thách với người điều khiển phương tiện, bởi nhiều đoạn dài cả trăm cây số, nhưng không có điểm dừng nghỉ hoặc trạm cung cấp nhiên liệu.
Ngoài nhu cầu sinh lý tự nhiên không được đáp ứng, việc chạy xe trên cao tốc liên tục nhiều giờ không nghỉ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, độ tập trung, qua đó có thể gây mất an toàn cho lái xe khi lưu thông trên cao tốc.
Trong bối cảnh việc xây dựng các trạm dừng nghỉ chính thức trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam cần thêm ít nhất 1-2 năm, thì việc Bộ Giao thông – Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị vận hành, lâm quản bố trí các vị trí dừng nghỉ tạm với khoảng cách phù hợp, có thể coi là giải pháp tình thế.
Cách đây chưa lâu, ngay từ cuối năm 2023, tại Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 qua địa phận Thanh Hóa, đơn vị chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long) đã sử dụng cả tỷ đồng từ ngân sách để xây trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến. Trạm chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất là đi vệ sinh và nơi ngồi nghỉ ngơi, không có hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Trước đó, do thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua Bình Thuận, nên người dân tự ý bắc một cầu thang sắt qua hàng rào cao tốc để ra ngoài đi vệ sinh. Sự việc gây xôn xao dư luận này chỉ kết thúc khi chính quyền dẹp bỏ cây cầu thang này.
Thực tế cho thấy, ngoài việc không thể áp dụng cho tất cả đoạn tuyến cao tốc (do một số tuyến không có vị trí có sẵn mặt bằng), giải pháp tình thế là xây các trạm dừng nghỉ tạm còn gây khó khăn cho chính chủ đầu tư, đơn vị lâm quản do chưa rõ lấy kinh phí từ nguồn nào để xây dựng và duy trì hoạt động.
Để tránh lặp lại tình trạng cao tốc chờ trạm dừng nghỉ, ngay từ lúc này, Bộ Giao thông – Vận tải và những địa phương được giao chủ quản đầu tư các tuyến cao tốc mới cần rút kinh nghiệm, tổ chức triển khai đồng bộ tất cả hạng mục để khi xong hạ tầng cứng, phải có ngay hạ tầng “mềm” như trạm dừng nghỉ, hệ thống điều hành, kiểm soát giao thông thông minh… Điều này vừa giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả khai thác, vừa giúp người tham gia giao thông không bị rơi vào cảnh khó xử, mất an toàn giao thông, phải dừng xe sai quy định để giải tỏa nhu cầu cấp bách khi lưu thông trên các tuyến cao tốc.