Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác phải trực tiếp làm việc với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (đặc biệt là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…), vận dụng các cơ chế, chính sách được Quốc hội cho phép trong thăm dò, cấp phép và khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 15.4.2024.
Thực tế, việc thiếu cát đắp nền của các dự án giao thông trọng điểm đã ở trạng thái nhức nhối từ năm ngoái cho tới nay. Với chiều dài 463km, các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu cát san lấp rất lớn, khoảng 53,69 triệu mét khối, chủ yếu tập trung trong năm 2023 (gần 16,8 triệu mét khối) và năm 2024 (hơn 23,6 triệu mét khối). Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện còn 37 triệu mét khối, chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cho các dự án cao tốc, chưa kể các dự án đường bộ khác. Việc khai thác cát cũng vướng ở nhiều khâu, khiến nguồn cung trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường Vành đai 3 khoảng 9,3 triệu mét khối, trong đó riêng năm 2024 là 6,5 triệu mét khối (riêng TP. Hồ Chí Minh là 4,7 triệu mét khối). Tuy nhiên, các nhà thầu thi công đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và cao tốc Bắc – Nam. Do mới chỉ huy động được hơn 4% nhu cầu cát đắp nền, nhiều gói thầu của Vành đai 3 phải thi công cầm chừng.
Không có cát đắp nền, tiến độ thi công và hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm sẽ bị chậm lại. Kéo theo đó sẽ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế trong dài hạn, bởi các dự án hạ tầng này đều có ý nghĩa rất quan trọng
Điều đáng nói là, thiếu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông không chỉ là mối lo của hôm nay mà còn là mối lo lớn của ngày mai. Bởi lẽ, nước ta đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư cho hệ thống hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, nên nhu cầu cát, vật liệu để san lấp và làm nền đường những năm tới chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. Hơn thế nữa, đây cũng không phải là câu chuyện cục bộ của TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà sẽ là vấn đề lớn trên bình diện cả nước, nhất là khi tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra khắp từ Bắc tới Nam trong những năm qua cho thấy việc khai thác cát đã vượt quá giới hạn cho phép.
Vì các lẽ đó, tình trạng thiếu vật liệu san lấp, đắp nền cần phải được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương vào cuộc giải quyết rốt ráo và tìm được giải pháp thay thế cát sông. Hiện tại, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND các tỉnh: Sóc Trăng, Bến Tre, Thái Bình và các cơ quan liên quan công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, hoàn thành trước ngày 10.4.2024. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn, ủy quyền cho UBND các địa phương làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp. Trong tháng 4.2024, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan phải hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc; trong đó phải thể hiện rõ địa điểm khai thác, địa chỉ sử dụng…
Cùng với việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế cát sông, những giải pháp khác được doanh nghiệp, giới chuyên gia đề xuất như làm đường trên cao hay tận dụng hàng chục triệu mét khối xỉ than của nhà máy nhiệt điện… cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và sớm đưa ra câu trả lời. Giải quyết vấn đề thiếu cát san lấp, đắp nền giờ đã quá cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa!