Trong bộ trang phục truyền thống của các dân tộc vùng cao, chiếc vòng bạc trắng là trang sức quan trọng không thể thiếu. Những chiếc vòng bạc không chỉ đơn thuần thể hiện sự sang trọng của người đeo, khả năng thực hành nghề của người chế tác mà còn mang nhiều ý niệm về tín ngưỡng và văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc.
Cao Bằng có nhiều dân tộc cùng cư trú trên địa bàn: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán khác nhau, theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng biệt. Đi kèm với những bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ còn có nhiều loại trang sức như: vòng cổ, vòng tay, vòng chân, vòng đeo tai… Nhưng dễ nhận thấy nhất là chiếc vòng cổ, vòng thường được làm bằng bạc, phần lớn do chính bàn tay người dân tộc nơi đây tự chế tác bằng những phương pháp thủ công truyền thống và được sử dụng lâu đời. Song, mỗi dân tộc có cách đeo vòng khác nhau, có dân tộc chỉ đeo một chiếc vòng để tạo sự hài hòa với bộ trang phục, một số dân tộc đeo nhiều vòng hơn để tạo điểm nhấn và thể hiện tín ngưỡng độc đáo của họ.
Với người Dao Tiền, ngoài những chiếc cúc bạc trên ngực áo, chiếc túi đựng trầu đính hoa bạc, họ còn đeo nhiều vòng cổ, có khi từ 5 – 7 chiếc tăng dần về kích cỡ, không khép kín, ở hai đầu nối gần chục chuỗi bạc dài buông gần hết ngực để điểm xuyết cho bộ trang phục dân tộc thêm đặc sắc. Bà Chu Thị Nen, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) cho biết: Chiếc vòng bạc trắng của dân tộc chúng tôi không chỉ dùng để làm đẹp mà còn biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ của các thành viên trong gia đình, cộng đồng và được trân trọng, gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Theo quan niệm của người Dao Tiền, khi cô gái về nhà chồng, ngoài trang phục tự làm, bộ vòng bạc trắng là sính lễ không thể thiếu bên cạnh những lễ vật có giá trị khác. Những trang sức này sẽ được giữ lại như bảo vật của gia đình, dòng họ và sẽ trao truyền cho con cháu sau này. Ngoài ra, bạc còn để chống gió độc, trừ tà ma, mang lại sức khỏe và những điều tốt lành. Vì vậy, chiếc vòng bạc đeo cổ còn được chọn làm món quà ý nghĩa để người lớn tặng cho trẻ, với mong ước con luôn khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Khác với người Dao Tiền, trang phục phụ nữ Tày giản dị, trang nhã, thể hiện tính cách chân thành, trầm lắng và sâu sắc. Để tạo nên độ sáng lấp lánh trên nền áo chàm truyền thống, phụ nữ Tày thường chỉ đeo một chiếc vòng bạc vừa đủ. Vòng cổ của người Tày thường là vòng tròn trơn, không có hoa văn chạm trổ và được đúc hoàn toàn bằng bạc đặc. Mỗi chiếc vòng thường có trọng lượng từ 200 – 500 g. Đặc biệt chiếc vòng cổ của phụ nữ Tày được làm rộng hơn vòng cổ của một số dân tộc khác. Trẻ em Tày khi mặc trang phục truyền thống cũng thường đeo vòng cổ, tuy nhiên, vòng của trẻ em nhỏ hơn nhiều so với người lớn. Đồng bào Tày quan niệm, cho trẻ đeo vòng cổ nhằm khóa linh hồn đứa trẻ, không cho hồn vía đi lạc và giúp trẻ không đau ốm, khóc vặt. Bên cạnh đó, chiếc vòng cổ bằng bạc còn là của hồi môn của ông bà, bố mẹ dành cho con, cháu khi về nhà chồng, mong con cháu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, may mắn và được thần linh phù hộ trong cuộc sống.
Người Dao Đỏ có trang phục mang những nét riêng trong cách tạo bố cục, bài trí, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim mũi chỉ. Trong đó, phải kể đến những chiếc vòng bạc trắng quý giá được đính kèm trên bộ trang phục truyền thống tạo nên sự độc đáo không lẫn vào đâu được. Phụ nữ Dao Đỏ thường đeo từ 1 – 2 chiếc vòng bạc bản to, do chính tay người dân tộc nơi đây tự chế tác. Để làm ra một chiếc vòng bạc đặc, người thợ phải mất từ 2 – 3 ngày đun chảy bạc, tạo khuôn, tạo hình và trang trí ra một sản phẩm chất lượng.
Không giống với các dân tộc khác, người Dao Đỏ quan niệm rằng người phụ nữ khi đi lấy chồng sẽ chăm lo cho gia tiên nhà chồng nên được mẹ chồng gửi gắm trách nhiệm thông qua chiếc vòng bạc mà họ đeo. Những chiếc vòng vừa là của hồi môn cũng là thước đo giá trị tình cảm của mẹ chồng, nàng dâu. Bạc không chỉ là trang sức tạo điểm nhấn cho trang phục truyền thống, có nhiều bạc còn thể hiện sự giàu có, no đủ, được phù hộ khỏe mạnh, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc, mang lại may mắn và tài lộc cho người đeo.
Ngày nay, trước sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa, cuộc sống các dân tộc vùng cao có nhiều đổi thay, mỗi người có thể tự mua sắm cho mình trang sức quý giá, đắt tiền, nhưng những chiếc vòng bạc đeo cổ vẫn là thứ không thể thiếu điểm xuyến cho bộ trang phục truyền thống các dân tộc thêm rực rỡ, đặc sắc. Điều đó không chỉ thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Thanh Tú
Nguồn: https://baocaobang.vn/vong-bac-trang-to-diem-trang-phuc-cac-dan-toc-vung-cao-3174158.html