Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng hai trận liên tiếp trước Thái Lan. Bên cạnh đó, đoàn quân HLV Kim Sang Sik còn là đội bóng giành chức vô địch AFF Cup với nhiều trận thắng nhất.
Rõ ràng, ngai vàng ở AFF Cup là sự bù đắp cho những nỗi khắc khoải của người hâm mộ Việt Nam sau thời gian dài. Trong 6 năm qua (kể từ lần vô địch năm 2018), cổ động viên (CĐV) Việt Nam đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm, trong đó có việc đội bóng rơi xuống đáy khủng hoảng dưới thời HLV Troussier.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể “tự tin quá đà” sau chức vô địch Đông Nam Á. Bởi lẽ, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa phải tập thể hoàn thiện. Những con số thống kê đã phản ánh rõ điều này.
Vấn đề lớn nhất của đội tuyển Việt Nam là khả năng phối hợp. Điều đó được thể hiện qua việc “Rồng vàng” chỉ có tỷ lệ chuyền chính xác 79%, xếp thứ 5 giải đấu sau Thái Lan (85%), Philippines (82%), Indonesia (81%) và Malaysia (80%).
Con số này đến từ thực tế rằng đội tuyển Việt Nam khá nhiều lần bỏ qua việc xây dựng lối chơi từ tuyến dưới, mà sử dụng bóng dài (có tỷ lệ chính xác không cao bằng). Lối chơi này không phát huy nhiều hiệu quả khi gặp hàng thủ tổ chức tốt. Sự xuất hiện của Xuân Son, với khả năng hoạt động độc lập và gắn kết tốt, đã giúp đội tuyển Việt Nam che mờ điểm yếu.
Chi tiết nữa cũng phản ánh về lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Đó là việc chúng ta chỉ có trung bình 310,5 đường chuyền mỗi trận, thấp hơn so với Thái Lan (421,6 đường chuyền/trận), Philippines (368,3) và Malaysia (311,2). Nếu so với Thái Lan, rõ ràng, đội bóng của HLV Kim Sang Sik thiếu hẳn những pha phối hợp ngắn, với nhiều lớp lang.
Kể từ vòng bán kết, đội tuyển Việt Nam đều kiểm soát bóng ít hơn so với Singapore và Thái Lan trong cả 4 trận đấu. Không trận nào, “Rồng vàng” cầm bóng quá 40%. Tính trung bình cả giải, “Rồng vàng” cũng chỉ kiểm soát 52% thời lượng, xếp thứ 5 giải đấu.
Điều này dẫn tới thực tế, đội tuyển Việt Nam hứng chịu trung bình 9,4 cú dứt điểm mỗi trận. Ngay cả khi gặp các đối thủ yếu như Lào hay Myanmar, đội bóng đều chịu ít nhất 6 cú dứt điểm. Đó là con số nguy hiểm. Bởi lẽ, nếu gặp các đội bóng có trình độ cao hơn, chúng ta hoàn toàn có thể bị trừng phạt.
Đáng mừng là HLV Kim Sang Sik sở hữu Xuân Son có trình độ vượt trội so với mặt bằng chung cầu thủ Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông cũng khơi dậy tinh thần chiến đấu mãnh liệt của toàn đội bóng. Thế nhưng, về lâu dài, “Rồng vàng” cần cải thiện và thực hiện cú bứt phá về lối chơi, thay vì nhờ sự tỏa sáng của các ngôi sao.
Vô địch AFF Cup không phải dấu chấm hết
Không thể coi chức vô địch AFF Cup là đích đến, mà tất cả mới là sự khởi đầu. HLV Kim Sang Sik nhận thức rõ điều này. Ông chia sẻ: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Sau giải đấu này sẽ là Asian Cup và SEA Games. Chiến thắng này sẽ là bàn đạp và động lực để bóng đá Việt Nam tự tin trên chặng đường phía trước”.
Chức vô địch AFF Cup 2024 tới ở thời điểm rất cần thiết với đội tuyển Việt Nam. Khi những niềm tin vụn vỡ, khí thế của “Rồng vàng” bỗng bừng sáng trở lại. Nói gì thì nói, đối với đội tuyển Việt Nam và các đội bóng khác ở Đông Nam Á, AFF Cup luôn là giải đấu quan trọng.
Chính vì thế, thành công ở giải đấu Đông Nam Á thúc đẩy niềm tin mạnh mẽ của các cầu thủ và CĐV sau thời gian dài thất vọng. Các cầu thủ tự tin hơn vào bản thân, tin vào chiến thuật và khả năng mang tới thành công của HLV Kim Sang Sik.
Nếu định hướng đúng, đội tuyển Việt Nam có thể tiến xa trong tương lai bởi đây mới chỉ là bước khởi đầu dưới thời HLV Kim Sang Sik. Như đã phân tích ở trên, nếu như khắc phục điểm yếu còn tồn đọng, “Những chiến binh sao vàng” có thể vươn xa khi có bệ phóng niềm tin.
Điều quan trọng, đội bóng cần phải giữ đôi chân trên mặt đất. Dù sao, chúng ta mới chỉ đánh bại các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á có trình độ thấp (Indonesia không gọi đội hình nhập tịch). Cái đích tiếp theo toàn đội cần hướng tới chính là giải đấu cấp độ châu Á.
Đội bóng của HLV Park Hang Seo từng tiệm cận các đội hàng đầu châu lục nhưng rồi bị cản lại sau thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Sau đó, đội bóng đã theo chiều hướng đi xuống với thất bại ở AFF Cup 2020 và 2022.
Vấn đề của HLV Kim Sang Sik chính là vươn mình, vượt qua lực cản này để sẵn sàng hướng tới mục tiêu xa hơn như World Cup 2030. Chia sẻ với Dân trí vào hôm 7/1, HLV người Hàn Quốc cũng thể hiện khát khao muốn đưa đội tuyển Việt Nam tới World Cup.
Phía trước vẫn là hành trình rất dài và nhiều sóng gió. Mọi thứ không chỉ dừng ở lời nói suông, mà cần phải xây dựng chiến lược phù hợp.
Thận trọng với việc nhập tịch cầu thủ
Indonesia muốn rút ngắn con đường tới World Cup bằng cách sử dụng các cầu thủ nhập tịch có gốc gác Hà Lan. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) hiểu rằng việc sử dụng cầu thủ bản địa Indonesia để cụ thể hóa giấc mơ World Cup là điều không tưởng. Chính vì vậy, họ sẵn sàng trở thành “đội bóng Hà Lan thu nhỏ” để tìm đường tới World Cup.
Thậm chí, trong chiến lược này, HLV Shin Tae Yong không còn tỏ ra phù hợp với các cầu thủ gốc Hà Lan. Ngoài vấn đề bất đồng ngôn ngữ, còn là bất đồng về quan điểm, tư duy bóng đá. Chính vì lẽ đó, PSSI quyết định mời luôn HLV người Hà Lan, Patrick Kluivert, về dẫn dắt đội bóng.
Nhưng tất nhiên, một nền bóng đá không xây dựng từ gốc có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Thất bại thảm hại của Indonesia ở AFF Cup 2024 khi không sử dụng cầu thủ nhập tịch là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Chẳng phải ngẫu nhiên, những nền bóng đá mạnh ở châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc phải mất hàng thập kỷ để xây nền móng vững chắc. Các cầu thủ bản địa của họ đủ trình độ sang châu Âu chơi bóng, học hỏi tư duy bóng đá ở Lục địa già, rồi tạo nên cú nhảy vọt cho đội tuyển quốc gia. Chỉ có cách làm bóng đá như vậy, mới hy vọng tạo nên sự thống trị lâu dài.
Thành công của Xuân Son ở đội tuyển Việt Nam nhắc nhở những người làm bóng đá nước nhà về câu chuyện cầu thủ nhập tịch. Có thể thấy rõ ràng, sự xuất hiện của Xuân Son đã giúp đội tuyển Việt Nam mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng không phải vì thế, chúng ta sa đà vào nhập tịch ồ ạt giống như Indonesia.
Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú nhìn thẳng vào vấn đề: “Đội tuyển Việt Nam luôn mở cửa với các cầu thủ nhập tịch, nhưng điều quan trọng là công tác đào tạo trẻ vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Indonesia nhập tịch ồ ạt để rồi tạo ra lỗ hổng, tạo hiệu ứng không tốt với cầu thủ nội. AFF Cup vừa qua, tại sao Indonesia không gọi được các cầu thủ chủ chốt trước đây là có lý do. Nhìn từ Indonesia, chúng ta rút kinh nghiệm, cái gì cũng ở mức độ hợp lý. Cả thế giới đều tập trung cho đào tạo trẻ và bóng đá Việt Nam không thể khác”.
Dù sao, vấn đề đào tạo trẻ là câu chuyện rất dài. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta đóng sập cánh cửa với các cầu thủ nhập tịch. Những người khát khao, thực sự muốn cống hiến cho màu áo đội tuyển Việt Nam đều được hoan nghênh (nhưng sẽ có chọn lọc).
Jason Quang Vinh Pendant có thể là trường hợp tiếp theo khoác áo đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ này mang trong mình một nửa dòng máu Việt Nam và từ lâu đã thổ lộ khát vọng lớn muốn khoác áo đội bóng quê mẹ. Trường hợp của Jason Quang Vinh Pendant có nhiều nét tương đồng như Văn Lâm hay Nguyễn Filip.
Không thể phủ nhận vai trò của các cầu thủ nhập tịch trong việc phát triển bóng đá. Nhưng đội tuyển Việt Nam không thể chạy theo thành công mà mất bản sắc. Mọi thứ cần phải từ từ, có lộ trình và hướng tới sự phát triển bền vững.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-thao/tuyen-viet-nam-vo-dich-aff-cup-vet-gon-tren-ngai-vang-be-phong-tuong-lai-20250110223100005.htm