Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, những năm gần đây, nhiều hộ dân huyện Hạ Lang chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Hướng đi này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân và là một trong những cây trồng chủ lực, tiềm năng của huyện.
Cây mắc ca tại huyện Hạ Lang chủ yếu được người dân trồng tự phát theo hình thức phân tán. Hiện toàn huyện trồng được khoảng 4 ha với trên 1.000 cây, tập trung ở các xã: Thị Hoa, Vinh Quý, An Lạc, Kim Loan. Xác định cây mắc ca là cây trồng có giá trị, 2 năm qua, huyện tìm địa chỉ mua giống với các đơn vị ngoài địa phương với mong muốn chọn được loại giống tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.
Để phát triển được diện tích cây mắc ca đảm bảo theo kế hoạch, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển tại Chương trình 05-CTr/HU, ngày 8/12/2020 của Huyện ủy về Chương trình sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Cùng với các chính sách hỗ trợ, huyện chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Liên Việt Cao Bằng tổ chức hội nghị tuyên truyền trồng cây mắc ca, tổ chức tham quan học tập các hộ nông dân trồng cây mắc ca tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Qua tuyên truyền, tham quan học tập, một số gia đình đã mua giống về trồng trên diện tích 4 ha.
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân trồng mắc ca, huyện hướng đến xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng 1.000 cây mắc ca cho một số hộ dân có nhu cầu tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca với Công ty cổ phần Liên Việt Cao Bằng. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca của mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt.
Diện tích cây mắc ca phát triển đều ở một số xã đang trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Hạ Lang. Trong đó, xã An Lạc, Kim Loan đang là địa phương được huyện lựa chọn trồng thử nghiệm trên diện tích 2 ha. Chủ tịch UBND xã An Lạc Hoàng Đình Phong chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn xã trồng thử nghiệm khoảng 100 gốc mắc ca, tập trung chủ yếu ở xóm Nam Lý. Nhận thấy hiệu quả từ cây mắc ca, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vừa được hỗ trợ nguồn giống, bao tiêu sản phẩm nếu liên kết nên xã chủ động vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng thuần và trồng xen với các cây công nghiệp, nông nghiệp khác. Bước đầu nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn là cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Triệu Thị Vanh, xóm Nam Lý, xã An Lạc là một trong những hộ tiên phong trồng cây mắc ca xen trong 2 ha đất đồi cây ăn quả từ năm 2021. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca phát triển tốt, cây ăn quả cho năng suất cao. Theo chị Vanh, sau 3 năm trồng, cây mắc ca sẽ cho quả. Trồng xen canh với cây ăn quả, năng suất quả mắc ca sẽ thấp hơn trồng thuần, tuy nhiên, trên cùng một đơn vị diện tích có cùng 2 loại cây trồng mang lại nguồn thu sẽ giúp gia đình có thu nhập ổn định. Đặc biệt, Công ty cổ phần Liên Việt Cao Bằng thu mua và bao tiêu sản phẩm nên gia đình chị cũng như người dân trên địa bàn xã rất yên tâm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Lang Phương Đức Thiện cho biết: Năm 2023, huyện có kế hoạch trồng mới 28 ha mắc ca. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân phát triển cây mắc ca. Với việc huyện ưu tiên hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và liên kết vùng sản xuất, tiêu thụ, người dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng, mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện, hứa hẹn cây mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực có triển vọng, giúp người dân ổn định kinh tế.
Hải Đăng