Ngày 30/10, Trung tâm khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh tổ chức tọa đàm “giải pháp thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao tính bền vững các mô hình khuyến nông”.
Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng 60 đại biểu là nông dân tiêu biểu và thành viên của các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, trên cơ sở triển khai hiệu quả, triệt để, đồng bộ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, lĩnh vực NN&PTNT của tỉnh đã và đang thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển ổn định, bền vững. Sản xuất nông nghiệp tỉnh đã có bước tăng trưởng và phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống dân cư vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được phát huy. Cây trồng vật nuôi truyền thống như lúa, ngô, trâu, bò, lợn được duy trì ổn định. Một số cây trồng đặc hữu của tỉnh được trú trọng phát triển và ngày càng khẳng định được vị trí, thương hiệu trên thị trường, được nhiều khách hàng tin dùng, lựa chọn.
Giai đoạn 2018 – 2021, thực hiện theo Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh phê duyệt 161 liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (14 kế hoạch liên kết cấp tỉnh, 147 kế hoạch liên kết cấp huyện) với 30.084 hộ dân tham gia chuỗi liên kết.
Giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 59 kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc hữu của tỉnh (cây quế, cây hồi, cây thạch đen, cây gừng, ngô, trâu, bò, lợn, dê…) được thẩm định và phê duyệt; 773 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với 41.650 hộ tham gia.
Nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh khẳng định được vị trí trên thị trường, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Hiện toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP (gồm 13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao). Nhiều sản phẩm OCOP xây dựng được thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng cả nước, điển hình như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của HTX Tân Việt Á, lạp sườn của HTX Tâm Hòa, chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng…
Bên cạnh những kết quả đạt được các mô hình khuyến nông về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa mạnh dạn để liên kết tiêu thụ sản phẩm, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay, thiếu kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mới chỉ thực hiện ở các sản phẩm từ trồng trọt, chưa đáp ứng hết nhu cầu liên kết, tiên thụ các sản phẩm nông sản ở các lĩnh vực khác; doanh nghiệp, HTX còn lúng túng trong việc lập dự án liên kết, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh; vai trò cầu nối của khuyến nông với doanh nghiệp, HTX, người sản xuất chưa thực sự phát huy trong thực hiện liên kết…
Tại buổi tọa đàm, đại biểu trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Vốn đầu tư của HTX, người nông dân lao động cho nông nghiệp; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng liên kết. Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp nhận thông tin về thị trường; các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp của tỉnh và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhằm tìm ra các giải pháp thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao tính bền vững các mô hình khuyến nông trong thời gian tiếp theo.
Trước đó, đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo của HTX Đông Anh, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng.
Nông Hậu
Nguồn: https://baocaobang.vn/toa-dam-giai-phap-thong-tin-thi-truong-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-san-pham-nham-nang-cao-tinh-ben-vu-3173233.html