Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX) tập trung phát triển sản xuất, đưa sản phẩm OCOP vào chuỗi cung ứng; kết nối, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử (TMĐT)…
Là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, OCOP nổi tiếng và là điểm đến hàng đầu được nhiều du khách lựa chọn. Để thúc đẩy sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Thành phố tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các trang TMĐT; xây dựng các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tổ chức các hội chợ quảng bá, kết nối giao thương, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP…
Để nâng cao giá trị của sản phẩm truyền thống, cơ sở bánh khảo Sơn Tòng nỗ lực duy trì nghề làm bánh quanh năm phục vụ thị trường. Từ khi sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, hoạt động sản xuất có nhiều thuận lợi. Ông Lâm Thanh Quý, chủ Cơ sở bánh khảo Sơn Tòng, phường Sông Hiến cho biết: Nếu như trước đây, bánh khảo chỉ được làm theo đơn đặt hàng vào dịp lễ, tết thì nay được sản xuất bốn mùa với sản lượng khoảng 50.000 phong/năm. Nhờ xây dựng được thương hiệu, có mã truy xuất nguồn gốc và cái tâm của người làm nghề lâu năm, bánh khảo của cơ sở được nhiều nơi biết đến với chất lượng đảm bảo. Hiện nay, ngoài bán hàng theo kênh truyền thống, sản phẩm của cơ sở được bán, phân phối trên các kênh online: Bánh khảo Cao Bằng – Sơn Tòng, Banhkhaosontongcaobang.com và có mặt trong các hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở Hà Nội và Cao Bằng…
Cùng với bánh khảo Sơn Tòng, nhiều sản phẩm OCOP như: lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa, dâu tây VietGAP của HTX nông nghiệp Trường Anh, gạo nếp Pì Pất, bún khô màu các loại của HTX nông nghiệp Ba Sạch Hưng Đạo, nấm hương Cao Bằng của HTX nông nghiệp Yên Công, bún màu (7 màu) của Công ty TNHH Cao Tuyền, nho hạ đen sạch Cao Bằng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ xanh CAB… hiện có quy mô sản xuất lớn, chất lượng đảm bảo, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Ba Sạch, xã Hưng Đạo cho biết: Đơn vị liên kết trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân. Các mặt hàng phân phối chủ yếu của HTX, gồm: gạo nếp Pì Pất, miến dong, bún khô, đỗ xanh, đỗ đen, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, lạp sườn, thịt lợn hun khói và các sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học. Đến nay, hầu hết các sản phẩm của HTX đều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm phở khô cẩm tím đạt sản lượng 7 tấn/năm; phở gạo lứt huyết rồng đạt sản lượng 10 tấn/năm; phở ngũ sắc, phở gấc khô đạt sản lượng 16 tấn/năm; lạc nhân đỏ đạt sản lượng 11,2 tấn/năm và đậu tương đạt sản lượng 7 tấn/năm. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX tích cực tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố. Các sản phẩm của HTX đã có mặt trong các siêu thị lớn như: Winmart, Mega Mart,… và được giới thiệu, bày bán trên sàn TMĐT Postmart, Shopee, Lazada. Qua sử dụng, đa số người tiêu dùng đánh giá cao sản phẩm của HTX vì chất lượng đảm bảo, an toàn cho sức khỏe, giá cả hợp lý.
Sau 4 năm nỗ lực triển khai Chương trình OCOP, đến nay, Thành phố có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 40 sản phẩm đạt 3 sao của 16 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Các sản phẩm OCOP tập trung vào các nhóm chính: nông sản tươi sống và nông sản chế biến, hoa quả tươi, đồ uống; trên 95% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể chủ động trong sản xuất, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, không ngừng hoàn thiện chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm theo quy định; đổi mới về hình thức mẫu mã, bao bì, nhãn, mác sản phẩm theo quy định. Tăng cường quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, nền tảng TMĐT; đưa các sản phẩm vào đại lý, nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị phục vụ người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo khảo sát, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới và nâng cấp các sản phẩm hiện có; hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2024, Thành phố tiếp tục hỗ trợ chuẩn hóa hồ sơ cho 16 sản phẩm của 10 chủ thể và đánh giá lại 10 sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận năm 2021. Từ nay đến cuối năm, Thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương quan tâm giới thiệu, quảng bá, trưng bày các sản phẩm OCOP tại các chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Đồng hành với các chủ thể hỗ trợ giới thiệu sản phẩm để đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng và bố trí các quầy hàng dành cho sản phẩm OCOP tại các chợ nông sản trên địa bàn.
Chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển loại hình du lịch lưu trú bản địa (homestay), lưu trú nông trại (farmstay), tạo không gian, hình ảnh giới thiệu, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm… Xây dựng các gian hàng giới thiệu, kết nối quảng bá sản phẩm tại các vị trí trung tâm đô thị như: Phố đi bộ Kim Đồng, các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích, chợ nông sản; đưa các sản phẩm vào tiêu thụ tại các loại hình du lịch lưu trú như: homestay, farmstay, hệ thống nhà hàng, khách sạn, tạo không gian, hình ảnh, giới thiệu thu hút du khách. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với giới thiệu sản phẩm trên các trang TMĐT. Rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng để có kế hoạch hỗ trợ các chủ thể mở rộng sản xuất quy mô lớn đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm OCOP bền vững.
Thái Hà
Nguồn: https://baocaobang.vn/thanh-pho-phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-du-lich-thuong-mai-3172049.html