Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2023, các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng sản xuất gắn với khoanh nuôi bảo vệ rừng. Khuyến khích phát triển vườn ươm đảm bảo cây giống có chất lượng phục vụ nhu cầu người dân trồng rừng dịp cuối năm.
Đến nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở vườn ươm giống cây lâm nghiệp, trong đó, huyện Thạch An có 5 cơ sở, huyện Hòa An 4 cơ sở, huyện Trùng Khánh 2 cơ sở. Hiện, các vườn ươm duy trì sản xuất quanh năm để cung ứng cây giống tại chỗ nhằm hạn chế chi phí vận chuyển và đạt tỷ lệ cây mọc sau trồng cao.
Theo nhận định, cơ cấu cây giống trồng rừng năm nay khá phong phú, đa dạng về chủng loại. Bên cạnh các giống cây trồng thông dụng như: keo, mỡ, thông, quế, lát, hồi, bạch đàn, dổi, xoan, các cơ sở vườn ươm cung cấp một số giống cây trồng mới như: cây hông, tếch, gió bầu, giáng hương. Giá bán các cây giống ổn định, trung bình từ 600 đồng – 3 nghìn đồng/cây.
Để có nguồn cung giống cây tại chỗ, đảm bảo chất lượng, các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư vườn ươm, áp dụng quy trình kỹ thuật và chăm sóc cây trồng; khuyến cáo người trồng rừng lựa chọn các cơ sở vườn ươm uy tín mua cây giống, hạn chế thấp nhất tình trạng cây kém chất lượng; ưu tiên trồng những cây thế mạnh, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng. Chỉ đạo các vườn ươm tập trung sản xuất cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng dịp cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng được 233 ha rừng, gồm: trồng rừng sau khai thác của các hộ gia đình gần 87 ha, chủ yếu tại các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Hạ Lang và Thành phố; trồng rừng thay thế 13 ha; trồng mới rừng sản xuất do các hộ gia đình tự đầu tư 117 ha. Ngoài ra, các địa phương trồng trên 1,5 triệu cây phân tán các loại như: keo, thông, mỡ, quế, hồi, bạch đàn, cây ăn quả…
K.X