Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, giá trị văn hóa bản địa… những năm qua, Cao Bằng chủ động tạo ra những sản phẩm du lịch – dịch vụ (DLDV) đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu riêng có của vùng non nước Cao Bằng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và ấn tượng sâu sắc khi lựa chọn Cao Bằng làm điểm đến du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Một trong những thay đổi đáng ghi nhận du lịch của tỉnh là đã xác định đúng trọng tâm các sản phẩm đặc thù như: du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… Nhiều sản phẩm mới được hình thành mang đậm yếu tố văn hóa bản địa, được nhiều du khách biết đến. Đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO. Tuyến số 1 – Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay” (Nguyên Bình); tuyến số 2 – tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); tuyến số 3 – tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang). Hiện tỉnh tiếp tục xây dựng tuyến thứ 4 (thành phố Cao Bằng – huyện Thạch An – Quảng Hòa) và tuyến thứ 5 (kết nối giữa CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng và CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn). Khai trương tuyến du lịch khám phá trải nghiệm động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn của Công ty cổ phần Du lịch Cao Bằng; khảo sát xây các dựng tour, tuyến kết nối trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh phát triển các sản phẩm DLDV mới, như: khai trương điểm ngắm cảnh đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao; điểm tham quan rừng trúc Bản Phường (Nguyên Bình); đưa Phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố) vào phục vụ khách du lịch; tổ chức thành công “Giải chạy siêu đường mòn Non nước Cao Bằng” – Giải chạy đã để lại ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa tinh thần yêu chạy bộ, nhất là trên cung đường trải nghiệm văn hóa bản địa, cảnh quan tuyệt đẹp của xứ sở thần tiên; đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng; các sản phẩm du lịch nông nghiệp như: vườn nho, dâu tây, chanh leo; các hoạt động du lịch gắn với thể thao giải trí như chèo sup, chèo kayak… Khảo sát địa điểm bay dù lượn tại thung lũng treo Tĩnh Túc (Nguyên Bình); phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam về khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch mạo hiểm tại tỉnh.
Khai thác tối đa “sức hấp dẫn” của các làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, tỉnh và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm CVĐC như: thạch đen, chanh dây, lê Nguyên Bình, rượu mía, sổ lưu niệm bằng giấy bản… Xây dựng, phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng, tháng 4/2018, CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Từ năm 2020, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục phối hợp với chuyên gia UNESCO và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung đánh giá xếp hạng các giá trị di sản khu vực Thành phố. Ngày 11/12/2021, Hội đồng CVĐC Toàn cầu phê duyệt hồ sơ mở rộng ranh giới CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong Kỳ họp thứ 6 của hội đồng. Theo hồ sơ mở rộng, CVĐC Non nước Cao Bằng bao gồm địa giới hành chính của toàn bộ Thành phố, các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với tổng diện tích 3.683 km2. Trong năm 2022, tỉnh đón tiếp đoàn chuyên gia UNESCO thực hiện nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Satun, Thái Lan, đồng thời bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng.
Để phát triển du lịch nhanh và bền vững, cùng với đầu tư xây dựng các sản phẩm DLDV riêng có, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cấp giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; hỗ trợ đầu tư phát triển DLDV, quan tâm phát triển hạ tầng cơ sở lưu trú, chú trọng tuyên truyền, quảng bá du lịch… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 299 cơ sở lưu trú du lịch với trên 3.800 phòng, 6.300 giường. Trong đó có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 20 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 67 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao, còn lại là các nhà nghỉ, homestay đủ tiêu chuẩn. Có 7 trung tâm hỗ trợ khách du lịch (2 trung tâm hoạt động tại Thành phố, 5 trung tâm hỗ trợ khác nằm trên địa bàn các huyện: Nguyên Bình, Trùng Khánh, Thạch An, Hà Quảng, Quảng Hòa).
Thanh Thúy