Tối 8/7, tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình báo cáo mô hình điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch tại thành phố Cao Bằng và ra mắt “Nhóm Bảo tồn – Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng”.
Di sản văn hóa các dân tộc Cao Bằng vô cùng phong phú, đa dạng, đồng thời là nguồn tài nguyên trù phú, nguồn lực dồi dào để phát triển du lịch. Bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Cao Bằng cho du khách trong và ngoài nước, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch tỉnh. Đến nay, Cao Bằng có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen, lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa), Lượn Cọi của người Tày (Bảo Lâm), kỹ thuật thêu hoa văn trên vải của người Dao Đỏ, nghề dệt thổ cẩm của người Tày. Đặc biệt, di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại chương trình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra mắt “Nhóm Bảo tồn – Phát triển di sản Then thành phố Cao Bằng” với mục đích bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản Then gắn với phát triển du lịch, phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức hát Then, đàn tính; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc truyền dạy hát Then và đàn tính và hỗ trợ các trường học trong đề án đưa hát Then vào trường học. Đây là mô hình nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh.
Diệu Linh