Quyết tâm từ cơ sở
Trong những năm trước đây, Phước Sơn được xem là điểm nóng về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ tuyên truyền, vận động cho đến việc phối hợp giáo dục các học sinh tại các trường học, đồng thời phát huy vai trò của lực lượng cán bộ thôn, xã, lực lượng già làng, Người có uy tín trong việc phòng chống tảo hôn, đến nay Phước Sơn đã cơ bản đẩy lùi được vấn nạn này.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho rằng: TH&HNCHT gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn, nhất là trong khi các em trong độ tuổi tảo hôn thường là ăn chưa no, lo chưa tới. Tảo hôn khiến các em mất đi cơ hội học tập, việc làm, một tương lai tươi sáng phía trước; hơn nữa các trường hợp này thường rơi vào các hộ nghèo, các bậc phụ huynh thường ít quan tâm đến các em, dễ dẫn đến các em quen biết nhau rồi mang thai ngoài ý muốn.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, địa phương đã huy động tổng lực từ vai trò của người đứng đầu, cho đến các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu được hệ lụy của vấn nạn, từ đó chủ động tránh xa. Nếu trước đây, có thời điểm lên đến 40 trường hợp tảo hôn, thì nay chỉ còn 17 trường hợp.
Huyện cũng giao Phòng Dân tộc chủ động triển khai các Đề án, các chương trình từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy mạnh tuyên truyền, tiến đến chấm dứt vấn nạn này. Đến nay, ngoài tập huấn, Phòng đã triển khai nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật như rung chuông vàng, chiếc nón kỳ diệu… trong trường học.
“Hiện nay cơ sở vật chất tại trường học, nhất là trường nội trú và bán trú chưa đảm bảo lắm, một số học sinh vẫn ra ở bên ngoài. Việc quản lý học sinh cũng khó, nhất là trong việc các em quen biết, rồi yêu đương bên ngoài. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ cân nhắc nguồn lực để mở rộng khu ăn ở cho học sinh. Qua đó, phần nào tạo thuận lợi cho việc quản lý, hạn chế nạn tảo hôn” ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Trung, trong thời gian qua, Phước Sơn cũng tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền các chính sách, chủ trương pháp luật đến người dân, lực lượng tuyên truyền viên, đội ngũ già làng, trưởng thôn, Người có uy tín…để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với cộng đồng, khu dân cư. Phòng Dân tộc huyện đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, cấp phát hàng ngàn tờ gấp, sổ tay đến người dân để tuyên truyền.
Còn ông Đoàn Ngọc Bình, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đông Giang, cho biết: Trong những năm qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật đến người dân. Qua đó, nhận thức họ ngày càng cải thiện, hiện nay trên địa bàn không còn hôn nhân cận huyết thống, số vụ tảo hôn giảm rõ rệt.
Trong năm qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan triển khai các lớp tuyên truyền, mở các cuộc thi như rung chuông vàng, biểu diễn văn nghệ với chủ đề “nói không với TH&HNCHT”.
Qua các cuộc thi, các buổi biểu diễn, không chỉ tạo cho các em có không gian vui chơi sau giờ học, mà còn trang bị cho các em nhiều kiến thức pháp luật, trong đó có phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới.
“Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật đến với người dân, nhất là đối với phòng chống TH&HNCHT. Trong thời gian tới, địa phương sẽ nổ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, để sớm ngăn chặn, chấm dứt tảo hôn trên địa bàn”, ông Bình nói.
Từng bước đẩy lùi tảo hôn
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, với mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản ngăn chặn được tình trạng TH&HNCHT, tỉnh đã triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, từ đó tiến tới chấm dứt vấn nạn này.
Triển khai Đề án giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án 498), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các huyện miền núi, tổ chức 50 lớp tập huấn công tác tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn cho Người có uy tín, trưởng các thôn tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, với gần 2.500 lượt người tham gia.
Ngoài ra, Ban Dân tộc phối hợp với với 6 huyện miền núi và Trường Phổ thông DTNT tỉnh tổ chức các hội nghị và hội thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn. Phối hợp với các nhà trường tổ chức ngoại khóa với những nội dung như: Giáo dục kỹ năng sống; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn, hỗ trợ kiến thức về các hậu quả của TH&HNCHT và các giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, triển khai Đề án 498, trong những năm qua, Ban Dân tộc cũng tiến hành cho lắp đặt 12 pano tuyên truyền tại các xã điểm, trung tâm các huyện; chiếu phim tư liệu về thực trạng và giải pháp phòng chống tảo hôn; cấp phát hơn 15.000 tờ gấp với nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy và tác hại của tảo hôn…đến các thôn, xã, trường học trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh- xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, triển khai Tiểu dự án 2 Dự án 9 của Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến với người dân.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, Ban Dân tộc đã phối hợp triển khai 30 hội nghị tập huấn cho cán bộ xã, thôn, già làng, Người có uy tín, Ban giám hiệu các trường, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 các trường vùng đồng bào DTTS, cha mẹ học sinh trong độ tuổi vị thành niên.
Ngoài ra, Ban phối hợp với các huyện miền núi tổ chức 140 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho gần 10.000 người; 262 cuộc tuyên truyền cho hơn 42.000 người; cấp phát gần 6.500 sổ tay, tờ rơi các loại cho 4.500 người; tổ chức 105 cuộc tư vấn, can thiệp TH&HNCHT cho hơn 4.000 trường hợp…
Ông Đặng Tấn Giản, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, cho biết: Việc triển khai hiệu quả Đề án 498 giai đoạn 2021 – 2025 và Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719 đã góp phần rất lớn trong giảm TH&HNCHT ở địa phương. Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao. Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi vấn nạn này, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
“Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các hội đoàn thể trong phòng, chống TH&HNCHT. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đến năm 2025, Quảng Nam sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng tảo hôn”, Phó trưởng Ban Dân tộc Đặng Tấn Giản chia sẻ thêm.