Ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành cơ quan Trung ương và các địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo các sở, ban, ngành đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024 của cả nước trên 355.616 tỷ đồng, đạt 52,46% kế hoạch (KH) Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có 4 cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước gồm: Đài Truyền hình Việt Nam đạt 100%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt 100%; Kiểm toán Nhà nước đạt 100%. Các địa phương: Thái Nguyên đạt 85,14%; Lào Cai 77,29 %; Bắc Kạn 65,95%; Tuyên Quang 59,68%; Điện Biên 58,38% … Có 5 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình gồm: Bộ Tài chính 23,16%; Ngân hàng Chính sách xã hội 37,78%; Lai Châu 47,22%; Hà Giang 50,72%…
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc giải ngân KH đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trên cả nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc về văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu ban hành còn chậm, việc lựa chọn nhà thầu còn kéo dài; một số dự án chưa hoàn thiện được thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng, giao đất, chỉ tiêu sử dụng đất; do ảnh hưởng của thiên tai mưa nhiều, lũ lụt, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ thi công; một số nội dung văn bản chưa đồng bộ, chưa phân cấp, khó cho các địa phương chủ động tổ chức thực hiện…
Đối với tỉnh Cao Bằng, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết vốn đầu tư công cho các đơn vị thực hiện 3.560/3.574 tỷ đồng, bằng 99,6 KH được Thủ tướng giao. Đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.593/3.574 tỷ đồng, bằng 44,6% KH. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 939/2,563 tỷ đồng, bằng 36,6% KH.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch kiến nghị: Nguyên nhân tỉnh Cao Bằng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công do khó khăn, vướng mắc về công tác chi trả, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm; một số vị trí đoạn tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện để đảm bảo phù hợp với địa hình thực tế; nguồn cung vật liệu còn khó khăn; sớm phê duyệt nguồn vốn đường cao tốc; điều chỉnh một số dự án còn thiếu vốn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Tại hội nghị, các đại biểu báo cáo nhanh về công tác giải ngân của cơ quan, đơn vị, địa phương; nêu những khó khăn, hạn chế cũng như cam kết trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân, những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ về vốn đầu tư công, nhất là chất lượng công trình, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đáp ứng yêu cầu đầu tư công nhất là về vốn, công tác giải phóng mặt bằng; quyết tâm tập trung hoàn thành khối lượng giải ngân trước 31/12/2024. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tham mưu bố trí bổ sung nguồn vốn, xem xét việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, bố trí nguồn vốn kịp thời cho các địa phương để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả công trình, hướng dẫn về bảng đất đai, giải phóng mặt bằng, giá vật liệu. Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ nguồn vốn ODA; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành cần tham mưu kịp thời cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tiến Mạnh
Nguồn: https://baocaobang.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-ho-duc-phoc-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-voi-cac-dia-phuong-ve-day-manh-giai–3173593.html