Sau 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 97 sản phẩm của 67 chủ thể đạt OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Các sản phẩm được công nhận OCOP tập trung vào các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Qua đánh giá, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận có sức mua tăng, thị trường tiêu thụ rộng, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng; giá trị kinh tế được nâng cao. Tiêu biểu như chiếu trúc, chè tiên Kolia, miến dong, gạo nếp, nấm hương, bún khô…
Để phát triển sản phẩm OCOP và nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm, ngày 27/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3438/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, Thành phố tập trung rà soát các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2023. Các địa phương làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, các chủ thể OCOP và người tiêu dùng về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình.
Tập trung phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm; nâng cao giá trị sản phẩm, không chạy đua theo số lượng; nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tiện dụng. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP như kết nối với các siêu thị, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; chủ động tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; liên kết đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, ocop247.vn, voso.vn, postmart.vn…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 – 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
P.V