Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở và lương hưu tăng, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, “lương mới” chưa thấy đâu, nhưng nỗi lo giá cả hàng hóa, sinh hoạt phí tăng cao từng ngày trở thành gánh nặng cho nhiều người. Làm thế nào để đảm bảo chất lượng cuộc sống trong điều kiện giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt “té nước” theo lương đã và đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay.
Nhiều mặt hàng tăng giá trước lương
Theo quy định, từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức chính thức tăng thêm 20,8% (từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng); lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng từ 12,5% – 20,8% đối với người hưởng lương hưu. Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống cho những người đang hưởng lương hưu.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, cán bộ hưu trí, tổ 5, phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Chủ trương tăng lương của Chính phủ là tích cực, người hưởng lương như chúng tôi mong mỏi nhiều năm nay. Song, trên thực tế lương mới chưa thấy đâu nhưng giá cả hàng hóa, sinh hoạt phí đã tăng lên rất nhiều. Điều này cho thấy, đời sống của cán bộ, công chức, người hưởng lương hưu chưa cải thiện đã phải chịu “giá hành”. Bây giờ cái gì cũng tăng giá, từ bột giặt, nước giặt, nước lau sàn cho đến gạo, trứng, thức ăn đều tăng giá không dưới 10% so với trước đây.
Chị Nông Thị Hạnh, một công chức Nhà nước bộc bạch: Trong tháng 5, đầu tháng 6, giá thịt lợn trên thị trường từ 90 – 100 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 120 – 130 nghìn đồng/kg, thịt lợn đen từ 150 – 160 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, giá điện, nước, chất đốt, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc, dịch vụ y tế cũng tăng theo. Với đồng lương hơn 7 triệu đồng/tháng, tôi phải chắt chiu lắm nhưng vẫn không đủ chi tiêu.
Theo chị Hoàng Thị Chiêm, công nhân Công ty TNHH Quang Minh, người lao động như chúng tôi không thuộc diện đối tượng tăng lương dịp này, nhưng giá cả hàng hóa trên thị trường không trừ một ai. Nếu như trước đây, tôi mua đồ ăn cho cả nhà trong khoảng 3 – 4 ngày tốn khoảng 300 – 350 nghìn đồng, nay cũng mua từng đấy thứ phải bỏ thêm 100 – 150 nghìn đồng. Việc giá cả hàng hóa tăng lên sẽ khiến cho gánh nặng kinh tế, chi phí sinh hoạt tăng cao, cuộc sống chúng tôi vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Bà Trương Thị Hàm, chủ quầy thịt lợn tại chợ Xanh cho biết: Những ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường tăng cao và hiện có giá từ 63 – 65 nghìn đồng/kg, do đó, giá thịt bán ra tăng 20%. Thay vì bán 2 con lợn/ngày nay tôi bán 1 con/ngày mà còn ế ẩm. Rồi bà Hàm chỉ tay qua các sạp hàng rau, củ, quả, trứng nói: Cô nhìn xem, trước đây hàng rau, củ, quả khá đắt hàng nhưng nay cũng vắng khách, hết ngày mới bán được hơn một nửa lượng rau, củ nhập vào. Người mua ít nên bán hàng cũng chán.
Kiểm soát thị trường, ổn định giá cả
Có thể nói, tăng lương là yếu tố tích cực kích thích nhu cầu sản xuất, tiêu dùng; tình hình giá cả tăng cao nhưng xuống chậm thì không còn quá xa lạ; người dân lo ngại giá hàng hóa “té nước” theo lương là rất thực tế. Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, giá bán các mặt hàng nhu yếu phẩm giữ mức bình ổn, còn các mặt hàng lương thực, thực phẩm có dấu hiệu tăng nhẹ.
Theo thống kê của Sở Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 trên địa bàn tỉnh biến động tăng 0,16% so với tháng 5. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng có xu hướng tăng, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,12%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,20%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%.
Cụ thể, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: gạo tăng 0,73%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,13%, thịt gia súc tăng 3,77%, thịt chế biến tăng 0,27%, dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 2,18%, thủy sản chế biến tăng 2,12%, đồ gia vị tăng 0,92%, chè, cà phê, ca cao tăng 0,06%. Nhóm thiết bị dùng trong gia đình tăng 0,53%, đồ dùng trong nhà tăng 0,02%, giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%… Còn các loại rau, củ địa phương tự sản xuất được thì giá khá ổn định.
Căn cứ tình hình giá cả thị trường, Sở Tài chính dự báo trong tháng 7, các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục biến động do ảnh hưởng giá vàng, đô la, xăng, dầu thế giới; mặt hàng rau xanh có xu hướng giảm; các mặt hàng: y tế, giáo dục, giao thông, đường, thuốc thú y có xu hướng ổn định.
Để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá, các cấp, ngành chức năng, tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương…
Thái Hà