Năm 2024, ngành Công thương đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD) đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 100% kế hoach, tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại hàng hóa lưu thông thuận lợi, đa dạng, phong phú, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, trục lợi thương mại…
Mặc dù trong năm 2024 một số nhà máy chế biến Feromagan dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất và sự tạo điều kiện của các đơn vị quản lý nhà nước, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 7.386 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng trưởng 10%. Thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều ổn định; các mặt hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các đơn vị SXKD trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động, đảm bảo nguồn cung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12.146 tỷ đồng, tăng trưởng 12,17%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 907 triệu USD, tăng trưởng 22,28%.
Ngành chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể hóa chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về công thương. Tăng cường công tác quản lý, sản xuất, chế biến khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn thực phẩm… Tổ chức 11 hội nghị tập huấn an toàn thực phẩm cho các cơ sở SXKD với 550 học viên tham gia; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 tổ chức 1 cuộc kiểm tra tại 7 đơn vị; lấy 58 mẫu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành; cấp 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho đối tượng người quản lý và kiểm tra cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp cho 128 người. Cấp 54 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tổ chức 12 cuộc kiểm tra hoạt động đầu tư thu mua nguyên liệu thuốc lá tại 12 đơn vị. Cấp 5 giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, 1 giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc, 1 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ sản xuất sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng), nghề làm mía đường Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa), kỹ thuật in hoa văn sáp ong trên vải của người Dao Tiền xã Hoa Thám (Nguyên Bình). Triển khai, hỗ trợ 4 doanh nghiệp thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024.
Thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Hiện, Dự án thủy điện Bảo Lạc A và Thượng Hà đang triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ ghi trong quyết định chủ trương đầu tư; Dự án thủy điện Pác Khuổi (Hòa An) đang triển khai thi công xây lắp đạt 65% khối lượng, đang hoàn thiện hồ sơ và lập phương án bồi thường hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, tuy nhiên kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của dự án chưa được phê duyệt bổ sung. Đối với Dự án thủy điện Hồng Nam (Hòa An) hiện nay nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án thủy điện Bản Ngà và thủy điện Bản Riển (Bảo Lạc) triển khai chậm, đã hết thời gian tiến độ dự án ghi trong quyết định chủ trương đầu tư; Dự án thủy điện Khuổi Luông (Quảng Hòa) vẫn đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ.
Ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng các công trình điện, thủy điện đang vận hành phát điện đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đôn đốc, hướng dẫn các chủ sở hữu nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế và chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động điện lực; yêu cầu 3 nhà máy thủy điện Bản Rạ, Khuổi Luông, Thân Giáp khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế; phối hợp với các ngành liên quan quan tâm công tác các dự án vướng mắc.
Chỉ đạo Công ty Điện lực Cao Bằng, Truyền tải điện Đông Bắc 3, UBND các huyện, Thành phố, chủ sở hữu các đập, hồ chứa thủy điện huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn công trình điện lực phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế – xã hội.
Trong quản lý thương mại, ngành tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về chợ. Chỉ đạo 100% điểm bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh dùng hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng; tổ chức tuyên truyền về Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Cuộc thi ảnh đẹp “Tôi tin dùng hàng Việt” trên fanpage với sự tham gia của gần 50.000 lượt chia sẻ, tương tác. Triển khai nội dung hoạt động tuyên truyền “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 trên Báo Cao Bằng, Đài Phát thành và Truyền hình Cao Bằng, nhất là các hoạt động trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại tỉnh và tổ chức 6 phiên chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh năm 2024… Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước và nội địa, nhất là các địa phương giáp biên giới Việt – Trung nhằm giúp các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và thương hiệu, sản phẩm được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, nâng cao nhận diện thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp, hợp tác xã với nước bạn.
Năm 2025, ngành công thương phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) 8.471 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 13.360 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm cả kim ngạch giám sát) 900 triệu USD. Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất hiệu quả. Đôn đốc chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện Hồng Nam và Pác Khuổi xây dựng hoàn thành, phát điện trong năm 2025; tạo điều kiện đưa vào hoạt động các công ty Khoáng sản công nghiệp và Công ty khoáng sản Cao Giang.
Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, khan hiếm hàng hóa, góp phần bình ổn giá cả, hàng hóa trên thị trường. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ thương mại tại các huyện, Thành phố; tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án được tỉnh phê duyệt nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, tích cực khai thác nguồn hàng xuất khẩu, hình thành những mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giao lưu kinh tế, thương mại. Tăng cường mối quan hệ trao đổi hàng hóa với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tích cực, nhất quán, ổn định các chính sách của Nhà nước và của tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong phạm vi cho phép để tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ hơn nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD phát triển, tiếp tục tham mưu tỉnh xây dựng, rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch điện lực, quy hoạch thương mại… vào quy hoạch chung của tỉnh, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tạo điều kiện cho thu hút đầu tư. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính thuộc lĩnh vực ngành quản lý, duy trì và nâng hạng chỉ số DDCI của Sở Công thương.
Minh Ngọc
Nguồn: https://baocaobang.vn/nganh-cong-thuong-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-3174708.html