Là đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh tích cực đổi mới trong tổ chức xây dựng chương trình, tiết mục trên cơ sở sưu tầm, giữ gìn, khai thác và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thời đại.
Đoàn Nghệ thuật tỉnh hiện có 46 cán bộ, diễn viên, công nhân viên, trong đó, 1 người có trình độ chuyên môn thạc sĩ, 13 người trình độ đại học, còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp. Với đội ngũ cán bộ, diễn viên giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo cơ bản, có khả năng sáng tác, biên đạo và dàn dựng, Đoàn bám sát các sự kiện trọng đại của tỉnh, của đất nước với các chương trình nghệ thuật phong phú, đa dạng, đặc sắc, mang tính nghệ thuật và giữ được nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Hương Lan, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh cho biết: Xác định vai trò quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, Đoàn luôn nắm vững đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, chú trọng nguyên tắc, đặc trưng và yêu cầu của một chương trình nghệ thuật gồm “tính Đảng, tính khoa học, tính dân tộc, tính đại chúng, tính thời sự, tính địa phương”; vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt vào thực tiễn để bản sắc dân tộc luôn được trân trọng, giữ gìn mà vẫn từng bước được nâng cao theo yêu cầu phát triển chung của thời đại, tránh cổ hủ, lạc hậu, lai căng.
Trước những yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của thực tiễn, Đoàn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn nghệ thuật, có nhiều chương trình, tiết mục biểu diễn phong phú, đa dạng, sinh động, mang bản sắc riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân. Ngoài biểu diễn phục vụ chính trị, phục vụ khách trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng, nhiều năm qua, Đoàn Nghệ thuật tham gia giao lưu biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Cao Bằng thông qua các sự kiện về phát triển du lịch của tỉnh. Đoàn xây dựng nhiều tiết mục phát triển dựa trên chất liệu dân ca, dân vũ của các dân tộc. Đặc biệt, Đoàn chú trọng bộ môn hát Then – đàn tính, xác định hát Then là tiết mục chủ đạo trong các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào cũng như tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Đoàn khai thác nhiều thể loại Then cổ, Then tâm linh tín ngưỡng; tất cả diễn viên nữ của Đoàn đều sử dụng được đàn tính, ngoài việc tự đệm để hát còn có những tiết mục hòa tấu với bộ gõ hoặc đệm cho múa. Nhiều tiết mục Then được đông đảo khán giả yêu thích và đạt thành tích cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp cũng như giao lưu quốc tế.
Với hoạt động đặc thù là biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, phục vụ chính trị và phục vụ nhân dân, các tiết mục và chương trình luôn phải thay đổi, xây dựng mới, phù hợp với từng chủ đề, nội dung. Các nghệ sĩ, diễn viên tham gia dàn dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn bằng sự sáng tạo, thông qua kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn hoạt động của Đoàn cùng những kinh nghiệm được trao đổi, học tập từ Trung ương và địa phương trong nhiều năm qua để bổ sung vào các chương trình biểu diễn, tăng thêm phần phong phú, hấp dẫn, được đánh giá cao. Thời gian vừa qua, Đoàn biểu diễn chương trình nghệ thuật Chào xuân Quý Mão và nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đoàn văn công Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới của tỉnh. Tổ chức biểu diễn giao lưu với các đoàn khách quốc tế thăm và làm việc tại Cao Bằng, giao lưu hữu nghị văn hóa nghệ thuật Việt – Trung; biểu diễn tại “Lễ hội Xuân Long” bên biên giới Việt Nam – Trung Quốc… Quay hình phục vụ 4 chương trình văn nghệ ở các chuyên mục “Tiếng hát trong trái tim đồng bào” và “Thanh âm Việt” của Ban Truyền hình tiếng dân tộc Đài Truyền hình Việt Nam. Xây dựng kịch bản, tổ chức dàn dựng, luyện tập chương trình nghệ thuật và tiểu phẩm biểu diễn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Vụ Văn hóa dân tộc, Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại huyện Bảo Lâm.
Hiện nay, trong xu thế phát triển chung về kinh tế – xã hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế nhất định như: Chưa đầu tư khai thác được vốn văn hóa văn nghệ dân gian trong đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng chương trình; kinh phí đầu tư cho dàn dựng các chương trình, tiết mục mới hằng năm chưa nhiều, phương tiện phục vụ biểu diễn còn thiếu; lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn còn thiếu…
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Hương Lan, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh, thời gian tới, Đoàn tiếp tục phát huy tốt vai trò của hoạt động nghệ thuật trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của tinh. Luôn là lực lượng chủ đạo trong việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của nhân dân thông qua hoạt động biểu diễn nhằm truyền tải thông tin, tác động có hiệu quả tới tâm tư, tình cảm của nhân dân các dân tộc, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh. Đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ca múa nhạc dân tộc và hiện đại, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vừa là nơi bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ngày càng chuyên sâu hơn về tính chuyên nghiệp, mang đậm chất dân gian dân tộc và mang hơi thở hiện đại.
Xuân Thương