“Lày cỏ” là trò chơi dân gian của các dân tộc xuất hiện lâu đời trong văn hóa dân gian của người Tày, Nùng. Trải qua thời gian, dần dần lày cỏ trở nên phổ biến hơn, được đưa vào các cuộc thi tại lễ hội xuân, các cuộc giao lưu, môn thi đấu trong các hội thi thể thao.
“Lày cỏ” hoặc “sai mạ” là một hoạt động giao lưu trong những dịp lễ, tết, ngày vui của người Tày, Nùng ở Cao Bằng và một số địa phương lân cận, mang nét văn hóa dân gian đặc sắc. Lày cỏ có thể chơi mọi lúc, mọi nơi, thường được chơi nhiều nhất tại đám cưới, vào nhà mới, đầy tháng cho trẻ sơ sinh…
Lày cỏ với nét văn hóa độc đáo đã gắn bó, ăn sâu vào tiềm thức của người Tày, Nùng. Mỗi khi có tiệc vui, lày cỏ là hoạt động được nhiều người hưởng ứng và tham gia, làm tăng thêm không khí sôi động, vui vẻ, lưu giữ lâu hơn thời gian bên nhau, nhờ đó tình cảm trong cộng đồng dân cư, gia đình càng thêm gắn kết. Thậm chí có người không phải là người Tày, Nùng mà chỉ biết nghe, biết cách lày cỏ cũng tham gia được. Nhất là vào dịp tết đến, xuân về, có từ 3 – 4 người là họ ngồi với nhau để lày cỏ. Họ vừa uống rượu, vừa chơi lày cỏ, cuộc vui có khi kéo dài từ chiều đến 3, 4 giờ sáng.
Lày cỏ không phân biệt tuổi tác, giới tính, trước đây thường chỉ có đàn ông tham gia chơi nhiều, hiện nay các chị em cũng tham gia chơi. Lày cỏ có thể giữa một người với một người, hoặc lập đội mỗi bên từ 2 – 5 người tham gia thi đấu. Khi thi đấu nhóm, chơi theo vòng tròn, người thắng của đội này lần lượt đấu với các thành viên khác của đội đối phương. Vì vậy, người tham gia thi đấu phải là người nhanh mắt, nhanh tay, quan trọng là phải tư duy nhanh, mỗi cá nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình trước đối thủ và đổi mới cách xòe tay không theo quy luật nào nhằm làm cho đối phương không đoán được.
Người chơi phải phán đoán xem đối phương xòe ra ngón tay như thế nào để đưa ra kết quả. Cách hô kết quả và xòe ngón tay phải đều nhau, nếu không sẽ bị phạt. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “Thồng sỉnh mạ”. Quá trình phán đoán kết quả được hô bằng ngôn ngữ Hán Nôm, như: nhất là số 1, nhị là số 2, slam là số 3, lục là số 6… Chơi lày cỏ quy định khi hô phải có “đuôi”. “Đuôi” ở đây có nghĩa là nhịp của câu nói, chữ cuối được ngân lên và kéo dài, gọi là “lày mỳ thang”, cụ thể: số 3 hô là “Slam tỉm slam”, số 4 là “Slế hổng slế”, số 6 là “Loọc woáy loọc”… Lày cỏ tạo không khí sôi nổi, hào hứng giữa những người chơi và thể hiện bằng ý chí, sự khéo léo của bản thân để phân biệt phần thắng, thua. Nhiều cuộc chơi tạo ra sự giằng co từng điểm số, có thể kéo dài từ 15 – 20 phút mà không phân thắng bại.
Nếu đối phương xòe tay ra theo quy luật và bị bắt bài thì gọi là bắt được ngựa, tiếng địa phương là “pắt mạ”. Nếu một bên thua liên tiếp mà không giành được bất cứ điểm nào thì gọi là “pạc pản”, có nghĩa là “nốc ao”, sẽ chịu gấp đôi hình phạt. Nếu bên nào giành được 4 điểm số là thắng, bên thua phải chịu hình thức “phạt”, có thể uống một chén rượu hoặc chung nhau chén rượu hoặc là một hình thức thỏa thuận khác. Trong khi lày cỏ, trọng tài phải am hiểu luật chơi, công tâm và trong sáng. Trong các cuộc chơi mà không có trọng tài thì người chơi tự lấy bốn que đũa hoặc 4 que tăm làm trọng tài. Đũa chia đều cho mỗi bên, người nào thua thì tự giác rút bớt một que đưa cho người thắng, rút hết 4 que là xong một hiệp, đồng nghĩa mình là người thua cuộc.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhưng trò chơi dân gian lày cỏ vẫn được duy trì. Trở thành phương tiện giao lưu văn hóa đưa vào thi tài trong các ngày hội xuân, hội lồng tồng.
Những năm qua, các cấp chính quyền hết sức quan tâm, khuyến khích bộ môn này nhằm bảo tồn và phát triển. Tại Cao Bằng, năm 2018 lày cỏ được chính thức đưa vào giải thể thao cấp tỉnh. Với nhiều giải đấu tại các cấp diễn ra, các vận động viên được giao lưu, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm thi đấu. Qua đó, lan tỏa bộ môn lày cỏ đến với nhiều người.
Khánh Duy
Nguồn: https://baocaobang.vn/lay-co-tu-tro-choi-dan-gian-tro-thanh-mon-the-thao-tri-tue-3172737.html