Ở Cao Bằng người Mông gồm có ba ngành: Mông trắng, Mông hoa và Mông đen cư trú tại các xã: Sóc Hà, Đa Thông (Hà Quảng), Dân Chủ (Hòa An), Quảng Lâm (Bảo Lâm). Việc phân biệt các ngành người Mông chủ yếu dựa trên trang phục phụ nữ, phụ nữ Mông trắng sử dụng váy lanh màu trắng, phụ nữ Mông đen sử dụng váy lanh nhuộm chàm, phụ nữ Mông hoa sử dụng váy in hoa văn sáp ong.
Trang phục dân tộc Mông chủ yếu được tạo bởi vải lanh, người Mông coi cây lanh là biểu tượng của dân tộc mình. Để tạo ra bộ trang phục Mông là cả một quá trình, từ trồng lanh đến các công đoạn xử lý sợi rồi mới dệt vải. Sau khi tấm vải lanh đã dệt xong, phụ nữ Mông hoa sẽ vẽ trang trí hoa văn lên tấm vải. Với phụ nữ Mông hoa, tất các các hình vẽ hoa văn sáp ong đều không có mẫu mà dựa vào trí nhớ. Những hình vẽ này được mẹ và bà truyền dạy từ nhỏ.
Để vẽ sáp ong lên vải, một công cụ không thể thiếu đó là bút vẽ. Bút vẽ là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7 cm, ngòi bút là một miếng kim loại (đồng hoặc sắt) bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre, đầu nhọn là ngòi bút. Bút vẽ có nhiều loại, chủ yếu sử dụng 3 loại chính, một loại để vẽ phác họa, vẽ đường thẳng dùng ngòi to, còn loại để vẽ hoa văn dùng ngòi nhỏ, ngòi càng mỏng manh vẽ hoa văn càng đẹp và dễ dàng hơn. Đầu tiên vải lanh được lu cho phẳng rồi đặt tấm vải lên bàn vuốt cho hết nếp nhăn, người thợ sẽ dùng thước và bút để tạo hình chữ vạn, chữ thập, hình vuông, hình răng lược… Hoa văn trên vải của người Mông hoa không có kiểu hoa lá và muông thú mà chỉ có dạng hình học. Sau khi vẽ khuôn hình xong người thợ sẽ chấm sáp ong theo hình.
Kỹ thuật đun sáp ong được làm rất tỉ mỉ, trước tiên lấy một lượng sáp ong vừa đủ cho vào bát nhỏ rồi đặt lên chậu than. Khi sáp nóng chảy người vẽ bắt đầu lấy bút chấm sáp và vẽ theo các nét đã được tạo từ trước. Việc đặt bát sáp lên chậu than để đảm bảo cho bát sáp luôn ở nhiệt độ 70 – 80oC, nhiệt độ như vậy sáp không bị đông lại, bát sáp luôn ở thể lỏng để dễ chấm bút vẽ. Bàn tay khéo léo của người thợ thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Phải lựa thật khéo để lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp. Khi in sáp, phụ nữ Mông hoa luôn ngồi ở cạnh bếp hoặc chậu than thì mới in được. Sau khi tấm vải được hong khô đợi ngày nắng đẹp mang đi nhuộm chàm, nhuộm được màu ưng ý thì đem phơi. Khi tấm vải chàm khô người Mông hoa nhúng tấm vải vào nước ấm, giũ sáp ong rời khỏi tấm vải, những hình vẽ màu trắng sẽ hiện ra trên nền vải chàm. Tiếp đó đem tấm vải phơi vài lần nắng nữa mới được một miếng vải in hoa văn sáp ong hoàn chỉnh. Hai tấm vải in hoa văn sẽ ghép lại được một chiếc váy truyền thống của phụ nữ Mông hoa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai địa điểm người Mông hoa còn thực hành kỹ thuật in hoa văn sáp ong, đó là xóm Lũng Lừa, xã Đa Thông (Hà Quảng) có hai người thực hành nghề; xóm Tổng Cháo, xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) có hơn 10 người thực hành nghề. Để kỹ thuật in hoa văn sáp ong của người Mông hoa không bị mai một theo thời gian, chính quyền địa phương cần vận động bà con dân tộc Mông gìn giữ kỹ thuật in hoa văn sáp ong truyền thống. Khuyến khích sự truyền nghề cho thế hệ trẻ, có chương trình đưa những nghệ nhân trình diễn nghề in hoa văn sáp ong tại trường học và sự kiện ở các địa phương trên toàn quốc để giới thiệu di sản văn hóa của người Mông đến với công chúng.
Trải qua thời gian dài, đến nay kỹ thuật in hoa văn sáp ong thủ công vẫn được những người phụ nữ Mông hoa gìn giữ, đó là một minh chứng về giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông.
Ngân Hà
Nguồn: https://baocaobang.vn/ky-thuat-in-hoa-van-sap-ong-cua-nguoi-mong-hoa-3172200.html