Tỉnh ta có 4 hệ thống sông chính gồm: sông Bằng Giang, sông Gâm, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng và các lưu vực suối nhỏ; hệ thống sông, suối khá đa dạng và phong phú, nhiều thủy vực vùng nước trũng, lặng, ngoài ra có nhiều hồ chứa thủy điện (Hòa Thuận, Tiên Thành, Bảo Lạc, Bảo Lâm 1, 2…) và nhiều hồ chứa thủy lợi cùng các ao, hồ nhỏ thuận lợi cho việc nuôi trồng, phát triển thủy sản.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đàm Đức Phúc cho biết: Tỉnh ta có điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng phát triển thủy sản, hiện nguồn nước, môi trường trong các ao, hồ, sông, suối vẫn chưa bị tác động nhiều, kết quả chỉ số môi trường vẫn nằm trong giới hạn phù hợp để nuôi cá ao, lồng. Về tình hình dịch bệnh thủy sản, 10 năm trở lại đây chưa xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, chết hàng loạt trên diện rộng do dịch bệnh.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 384 ha ao nuôi thả cá. Diện tích lớn tập trung chủ yếu ở các huyện: Hòa An (113 ha), Thạch An (64 ha), Quảng Hòa (50 ha), các huyện còn lại diện tích ao nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Đa số ao nuôi cá trên địa bàn là các ao đất, một số ít được xây kiên cố, chủ yếu nuôi giống cá truyền thống (cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi). Bên cạnh đó, với lợi thế có hệ thống sông, suối khá đa dạng cùng các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tạo thành vùng nước sâu, ổn định là thế mạnh để phát triển nuôi cá lồng trên sông, suối, lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Toàn tỉnh hiện có trên 11.710 m3 nuôi cá lồng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Quảng Hòa (3.800 m3), Hòa An (2.220 m3), Thạch An (2.000 m3), Trùng Khánh (1.480 m3), Hà Quảng (980 m3), các huyện còn lại số lượng lồng nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Giống cá nuôi lồng chủ yếu là cá trắm, chép, rô phi đơn tính. Diện tích nuôi thả cá đặc sản khác (cá chiên, anh vũ, lăng, bỗng, hồi, tầm) chiếm tỷ lệ thấp. Hiện có một số hộ ở các huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi thủy đặc sản đem lại thu nhập cao, như: Hà Quảng (cá tầm), Trùng Khánh, Quảng Hòa (cá bỗng), Bảo Lâm (cá chiên, lăng chấm), Hòa An (cá bỗng, ba ba). Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2022 đạt trên 483,5 tấn (cá trắm 206 tấn, rô phi 164,32 tấn, chép 70,55 tấn…); giá trị thủy sản đạt trên 17,67 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2023 tăng so với năm trước.
Nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm định hướng phát triển thủy sản. Theo đó, đối với phát triển nuôi thủy sản ở các ao, hồ nhỏ theo hướng bán thâm canh, thâm canh, tại các huyện có diện tích nuôi ao lớn, gồm: Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và Thành phố, tập trung phát triển nuôi các loài cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định như: cá rô phi đơn tính, trắm, chép, trôi, mè, lăng. Liên kết sản xuất, hình thành các vùng nuôi tập trung, áp dụng các quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản 404 ha, năm 2030 đạt 438 ha. Đối với nuôi cá lồng, phát triển trên sông, suối, hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hòa An, Thạch An. Thành lập vùng nuôi thủy sản lồng bè áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chủ động phát triển nuôi một số loài cá đặc sản như cá bỗng, cá rầm xanh, cá chiên…, kết hợp nuôi ghép với cá rô phi, chép, trắm do các loài này sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, dễ thu hồi vốn trong khi các loại cá đặc sản có thời gian nuôi lâu (2 năm trở lên) mới thành thương phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, thể tích lồng nuôi thủy sản đạt 15.070 m3, năm 2030 đạt 20.270 m3. Phát triển nuôi cá nước lạnh tại các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa.
Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi các loại thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao (cá hồi, cá tầm…). Phát triển nuôi thủy sản đặc sản tại huyện Hòa An (cá bỗng, ba ba). Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình nuôi cá theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng VietGAP. Thực hiện truy xuất nguồn gốc gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thủy đặc sản tại địa phương; xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản nước lạnh; hình thành các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường tuyên truyền về tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức, đặc biệt kêu gọi sự lan tỏa, chủ động của cư dân sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi trên các sông, suối, hồ… Hướng dẫn xây dựng các quy chế đồng quản lý, cấm khai thác có thời hạn đối với các bãi cá đẻ, vùng có nguy cơ suy giảm các loài cá đặc sản ngoài tự nhiên.
Dạ Đăng