Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, DNNN trên địa bàn.
Trước khi vào hội nghị, các đại biểu dành phút mặc niệm 56 nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong, mất tích do lũ ống, lũ quét tại tỉnh Lào Cai những ngày vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) của khu vực DNNN là 382.904 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.
Đến ngày 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp 67.403 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp Trung ương. Tổng thuế các khoản phát sinh nộp NSNN 67.233 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.
Đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tính đến hết năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.173.000 nghìn tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất thị trường, đầu tư… Tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và các doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước tương đối ổn định.
Tình hình đầu tư phát triển của DNNN năm 2023 dự kiến đầu tư khoảng 260.000 tỷ đồng. 8 tháng năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giải ngân đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh; một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh, quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 còn rất chậm. Các tập đoàn, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Các tập đoàn, tổng công ty chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho các dự án…
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình với các chính sách điều hành của Chính phủ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Các ý kiến đi thẳng vào những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ một số khó khăn và tạo cơ chế, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành sát cánh cùng các DNNN, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp cùng phát triển. DNNN phát huy vai trò quan trọng, dẫn dắt, các thành phần kinh tế khác huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh; các DNNN cần tập trung tái cơ cấu, trong doanh nghiệp, tham gia tích cực các chương trình, dự án lớn của Nhà nước; thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng);
Mong muốn với bản lĩnh kiên định, năng động, sáng tạo, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội lớn, vì khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no, các doanh nghiệp sẽ có nhưng giải pháp, chủ động chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Minh Hòa