Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, Thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự chỉ đạo.
Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở GD&ĐT và một số sở, ban, ngành.
Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 86,6%.
Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân của cả nước từ 83% trở lên theo từng cấp học. Tuy nhiên, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Về tỷ lệ phòng học/lớp đối với cấp mầm non là 0,86 phòng học/lớp và tiểu học 0,97 phòng học/lớp THCS và THPT đã đáp ứng yêu cầu (tối thiểu 0,6).
Về nhà công vụ cho giáo viên, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng. Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế, chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách kiên cố hóa các phòng lớp học, chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Đến hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.
Giai đoạn 2013 – 2023, nguồn vốn xã hội hóa (XHH) để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương. Cả nước có khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư XHH để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Trong 10 năm, tổng số kinh phí XHH đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng; Trong đó đầu tư xây dựng khoảng 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên.
Về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các địa phương đã triển khai lồng ghép tích cực các chương trình và đề án của Chính phủ, nhằm đảm bảo điều kiện CSVC, thiết bị trường học phục vụ chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông được đẩy mạnh. Các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT.
Theo khảo sát đến tháng 7/2023, cả nước hiện có 15.334 trường mầm non, trong đó 8.722 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 56.9%, tăng 1.773 trường, tương đương 11.3% so với năm học 2017-2018. Đối với cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THPT có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học, có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia; đa số các cấp học đều cao hơn so với năm học 2022 – 2023.
Tại Cao Bằng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 6.465 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Phòng học kiên cố 4.868 phòng, đạt tỷ lệ 76%; bán kiên cố là 1.535 phòng, tỷ lệ 23%; 63 phòng tạm, tỷ lệ 01%; 1.782 phòng công vụ cho giáo viên, tỷ lệ kiên cố hóa trên 90%. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học thấp nhất (60%) tại các trường tiểu học, còn 40% phòng học bán kiên cố và phòng học tạm.
Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT; UBND các huyện, Thành phố rà soát đề xuất nhu cầu về đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để bố trí kinh phí thực hiện. Giai đoạn 2013 – 2023, có 45 trường, lớp được đầu tư từ nguồn XHH, trong đó các hạng mục đầu tư nâng cấp, cải tạo cho 139 phòng học, 19 phòng công vụ giáo viên, với tổng kinh phí huy động 110.979 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp chính quyền và toàn xã hội trong nâng cao điều kiện cơ sở giáo dục trên cả nước. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc XHH giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên, đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong giai đoạn đổi mới GD&ĐT; xây dựng Cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng đảm bảo quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số; bảo đảm ngân sách cho GD&ĐT, phân bổ nguồn lực hiệu quả các tiểu dự án từ nguồn ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT; chủ động đẩy mạnh XHH trong GD&ĐT, ưu tiên thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở khu vực khó khăn; giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Đồng chí nhấn mạnh: công tác GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân, cần được quan tâm đúng mức tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen tặng 37 tập thể, 9 cá nhân và 4 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác XHH về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023.
Vũ Tiệp
Nguồn: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-xa-hoi-hoa-ve-kien-co-truong-lop-hoc-va-nha-cong-vu-cho-giao-vien-giai-do-3173110.html