Ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Hội nghị kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đàm Minh Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tham dự có các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV.
Hội nghị đánh giá về công tác triển khai đối với 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước Kỳ họp thứ 5 và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Trong chương trình làm việc, hội nghị đã nghe các báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị; công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trong đó trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; việc thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay thuộc lĩnh vực Bộ Công an…
Các đại biểu thảo luận và nhìn nhận thẳng thắn một số hạn chế, bất cập nhất định trong công tác triển khai thi hành hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Báo cáo tham luận về việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ như: việc triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, MTTQ, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan của Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, quyết định của Trung ương; xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành hiến pháp, tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật. Rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tăng cường đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Có giải pháp quyết liệt hơn nữa giải quyết tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Tập trung nỗ lực hoàn thành việc ban hành 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị định, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.
Đề nghị chậm nhất trong tháng 9/2023 phải hoàn thành xây dựng ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 8 dự án luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành.
Hoài An