Để nâng cao giá trị hạt gạo, huyện Hòa An tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất.
Hòa An là vựa lúa của tỉnh, diện tích gieo cấy hằng năm trên 4.700 ha, chủ yếu là giống Bao Thai Lùn, Đoàn Kết và một số giống lúa lai khác, chất lượng gạo chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa mạnh dạn, khả năng nhân rộng mô hình có hiệu quả vào sản xuất đại trà còn hạn chế; việc khai thác lợi thế của địa phương chưa được tốt, sản xuất còn mang tính tập quán lạc hậu.
Với sự tăng trưởng của nền kinh tế, số người có thu nhập cao tăng lên nên nhu cầu tiêu thụ các loại gạo có chất lượng tốt cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu cung cấp gạo ngon của thị trường cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, việc ứng dụng các giống lúa mới chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, canh tác… là rất cần thiết.
Từ thực tế sản xuất đòi hỏi phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống lúa chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển dịch thời vụ, luân canh với cây trồng để nâng cao giá trị, chất lượng gạo phục vụ nhu cầu hằng ngày của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Huyện xác định phát triển lúa chất lượng cao là một trong những nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến năm 2025 diện tích lúa chất lượng cao đạt 500 ha.
Với việc triển khai hỗ trợ giống lúa mới theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; UBND huyện đã hỗ trợ giống lúa chất lượng cao dòng Japonica (giống J02) cho người dân đưa vào sản xuất, theo đó, từ năm 2021 – 2024 hỗ trợ trên 69 tấn giống với kinh phí trên 2,8 tỷ đồng; diện tích gieo cấy lúa J02 năm 2024 đạt trên 980 ha, chiếm 21% tổng diện tích trồng lúa của huyện, tăng 690 ha so với năm 2021; năng suất đạt 58 – 60 tạ/ha. Phối hợp, liên kết với Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An triển khai thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất với giá mua thóc tươi 6.500 đồng/kg, thóc khô 8.500 đồng/kg. Năm 2021 sản phẩm gạo Nhật Cao Bằng của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An và sản phẩm rượu gạo Nhật của Cơ sở Thuận Toàn (Hòa An) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Điển hình trong sản xuất lúa chất lượng cao là xã Hoàng Tung, hằng năm gieo cấy trên 200 ha lúa J02, chiếm trên 51% tổng diện tích trồng lúa của xã, năng suất đạt 63 – 65 tạ/ha, sản lượng đạt 1.260 – 1.300 tấn. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tung Bùi Thị Dâm cho biết: Người dân trên địa bàn đã quen với việc sử dụng giống lúa J02 vào gieo trồng 2 vụ/năm, năng suất cao hơn nhiều so với trồng các loại giống khác, chất lượng gạo ngon, thóc và gạo đều bán được giá, cuối mỗi vụ gieo cấy được Công ty đến thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con rất phấn khởi. Nhờ gieo cấy lúa chất lượng cao J02, người dân địa phương tăng thu nhập đáng kể, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, mỗi năm thu lãi khoảng 33 – 35 triệu đồng/ha.
Chị Nông Thị Huyền, xóm Bến Đò, xã Hoàng Tung chia sẻ: Gia đình tôi có 5.000 m2 ruộng, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm gieo cấy 2 vụ giống lúa J02, sản lượng đạt trên 6,5 tấn, khi thu hoạch Công ty đến thu mua tận ruộng và thanh toán ngay, không mất công vận chuyển và phơi thóc, mỗi năm trừ chi phí đầu tư gia đình thu nhập từ 40 – 42 triệu đồng. Những năm tới gia đình tôi tiếp tục gieo trồng giống lúa J02.
Việc sử dụng giống lúa chất lượng cao J02 vào sản xuất, năng suất cao hơn các loại giống khác từ 10 – 12 tạ/ha, giá gạo bán cao hơn các loại gạo khác 7 – 10 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, huyện duy trì và phát triển mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị và thương hiệu gạo chất lượng cao Hòa An để tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.
Hoài Thương
Nguồn: https://baocaobang.vn/hoa-an-phat-trien-giong-lua-chat-luong-cao-japonica-3175536.html