Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Hòa An triển khai nhiều giải pháp phù hợp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là nông sản chủ lực, tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương
Để chương trình OCOP lan tỏa, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với sản xuất hàng hóa. Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên các thế mạnh của địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tích cực hưởng ứng chương trình và tham gia phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của địa phương thành các sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội nghị, sự kiện, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử…
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đánh giá các sản phẩm OCOP tiềm năng, khảo sát, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm, quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, in tem chứng nhận OCOP cho các chủ thể, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm OCOP. Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng…
Đến nay, huyện có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao (3 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn huyện là những nông sản đặc trưng như: rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng, rượu ngô Đại Hoàng Long Phụng, rượu ngô Đại Hoàng Tiên Tửu, trà xanh Tài Hồ Sìn, mật ong rừng tự nhiên xã Hoàng Tung, rượu gạo nhật Cao Bằng, gạo nhật Cao Bằng, cơm cháy Huy Hoàng, bún trắng khô cô Luyến, bún cẩm khô cô Luyến, miến dong Cường Yên, rượu ngô Bình Long, thạch đen Su Hào, mật ong hoa tự nhiên Bình Dương.
Các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP cơ bản chấp hành tốt các tiêu chí của chương trình, đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô, đa dạng mẫu mã bao bì, chú trọng quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mật ong hoa tự nhiên Bình Dương mở rộng thị trường tiêu thụ sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao. Với sự hỗ trợ của huyện, sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất mật ong hoa tự nhiên xã Bình Dương được tiêu thụ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Ông Hoàng Thanh Cư, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cho biết: Sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn. Qua phối hợp giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện tổ chức trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, hội chợ…, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản lượng tiêu thu được nhiều hơn. Việc được chứng nhận OCOP mở ra cơ hội tìm kiếm thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động.
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP
Chứng nhận sản phẩm đạt OCOP được xem như giấy thông hành để các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo ra hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm như: sản phẩm mật ong rừng tự nhiên xã Hoàng Tung nâng được giá bán lẻ từ 250.000 đồng/lít với bao bì thô sơ lên 300.000 đồng/lít đối với bao bì, nhãn mác đạt chứng nhận OCOP; sản phẩm trà xanh Tài Hồ Sìn tăng giá trị sản phẩm từ 200.000 đồng/kg đối với chè đóng túi nilon trắng tăng lên 260.000 đồng/kg đối với bao bì đóng gói 500gr, 200gr, 100gr được hút chân không; miến dong Cường Yên sau khi đạt chứng nhận OCOP được nhiều người tin dùng, có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh: Đăk Lăk, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đăk Nông, Vũng Tàu, Thái Nguyên…, giá bán ổn định từ 75 – 90 nghìn đồng/kg…
Theo kế hoạch năm 2024, huyện phấn đấu xây dựng thêm 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên gồm: rượu mơ Hòa An, mật ong thị trấn Nước Hai, mật ong La Dũng xã Bạch Đằng, miến dong Tuân Yến, miến dong Bảo An, xã Nguyễn Huệ, gạo nếp Pì Pất Minh Khai, xã Đức Long, mật ong Bình Phương, xã Hồng Việt. Đây là những sản phẩm tiêu biểu được các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng, hệ thống bao bì, tem nhãn đầy đủ… Hiện nay, các địa phương có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đang tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ, quảng bá, giới thiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An Nông Mùi Thượng cho biết: Ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu UBND huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài huyện. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất tiếp cận về chuyển đổi số, các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm tiềm năng…
Ngọc Dung
Nguồn: https://baocaobang.vn/hoa-an-chu-trong-phat-trien-san-pham-ocop-3173421.html