Thị trường giao dịch hàng hóa sẽ tiếp tục sôi động trong 6 tháng cuối năm Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam: 14 năm chuyển mình mạnh mẽ |
Thị trường giao dịch hàng hóa trên thế giới đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Các sản phẩm giao dịch thông qua Sở Giao dịch hàng hóa tập trung đều có khối lượng giao thương lớn, có tính thiết yếu đối với mọi nền kinh tế và đời sống của người dân. Tại Việt Nam, bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống, giao dịch hàng hóa đang nổi lên như một loại hình đầu tư của thời đại 4.0 khi mọi giao dịch đều được liên thông với thị trường thế giới.
Vừa qua, ngày 25 & 27/9/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Xoay quanh hội thảo, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia thảo luận về vai trò của Sở Giao dịch hàng hóa, đồng thời khuyến khích hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hoá để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên tham gia.
Hành lang pháp lý đầy đủ
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, đã có nhiều doanh nghiệp triển khai mô hình giao dịch hàng hóa kỳ hạn thông qua sàn giao dịch như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, sắt, thép… Trong đó khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận hàng hóa được thực hiện trong tương lai. Các yếu tố của giao dịch như khối lượng, thời hạn, tiêu chuẩn hàng hóa, giá cả…được các sàn quy định. Một số sàn giao dịch chuyên biệt như: Sàn Giao dịch kỳ hạn hạt điều, Sàn Giao dịch thủy sản Cần Giờ, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE), Sàn Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STE) đã được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho hoạt động giao dịch hàng hóa tập trung chưa hoàn chỉnh dẫn tới các Sàn này phải dừng hoạt động.
Trong bối cảnh đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) được thành lập vào ngày 01/09/2010, do Bộ Công Thương cấp phép theo giấy phép số 4596/GP-BCT, là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia tại Việt Nam. Hoạt động giao dịch tại MXV hoàn toàn hợp pháp và do Bộ Công Thương quản lý, gắn chặt với Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa). Điều này góp phần làm tăng tính hành lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo công tác chuẩn hoá trong hoạt động và làm nổi bật vai trò đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hoá.
Phòng giao dịch của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) |
Nghị định 51/2018/NĐ-CP cho phép Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam được kết nối liên thông với các Sở Giao dịch hàng hóa trên thế giới, từ đó thị trường giao dịch hàng hóa tập trung ở Việt Nam được “cởi trói” và có cơ hội phát triển. Đến nay, MXV đã kết nối liên thông hầu hết các Sở Giao dịch hàng hóa lâu đời và lớn nhất thế giới bao gồm: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago – CME Group (bao gồm các sàn giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch liên lục địa – ICE (bao gồm các sàn giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Kim loại London – London Metal Exchange (LME); Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange – OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore – SGX; Sở Giao dịch Hàng hóa Bursa Malaysia Derivatives – BMD.
MXV ra đời dựa trên nền tảng là hành lang pháp lý và hệ thống chính sách, nhằm khắc phục hạn chế của các mô hình tổ chức thị trường trước đây. MXV tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Sở Giao dịch thế giới có liên thông, thực hiện các chức năng thị trường toàn diện bao gồm: Giao dịch, Bù trừ, Thanh toán, Giao nhận; Cung cấp thông tin thị trường; Quản lý Thành viên; Giao dịch các loại hợp đồng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là mô hình hiệu quả đang được áp dụng tại các thị trường tiên tiến trên thế giới, các chức năng của các đối tượng tham gia thị trường được phân định rõ ràng, đảm bảo quá trình xử lý giao dịch được xuyên suốt, tốc độ giao dịch hàng hóa nhanh chóng, thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời để thị trường được vận hành minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Kênh đầu tư minh bạch, hấp dẫn
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, giao dịch hàng hóa là kênh đầu tư hấp dẫn vì lợi nhuận và tính minh bạch cao. Do quy mô hoạt động trên toàn cầu nên thông tin giao dịch trên thị trường minh bạch, các thông tin về giá cả hàng hóa đều được công khai rõ ràng, cập nhật biến động nhanh chóng và không gặp tình trạng thao túng giá.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết “Có một điểm đặc biệt giúp tính thanh khoản của giao dịch hàng hóa rất cao, đó là hình thức giao dịch T0. T0 là nhà đầu tư có thể tất toán vị thế ngay sau khi vừa vào lệnh. Ví dụ nhà đầu tư mở 1 lệnh mua, thì ngay sau đó, không bị quy định, ràng buộc bởi thời gian nắm giữ vị thế, có thể tất toán lệnh ngay. Điều này giúp giao dịch hàng hóa trở thành kênh đầu tư linh hoạt nhất ở thời điểm hiện tại”.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV |
Khác với các thị trường truyền thống, khi mà nhà đầu tư chỉ có thể mua vào tài sản, có thể là cổ phiếu, bất động sản, vàng, và kỳ vọng giá sẽ tăng lên. Khi giá các tài sản này giảm, thì nhà đầu tư có thể chịu thiệt hại hoặc không thể có lợi nhuận cho đến khi thị trường tăng giá. Nhưng trên thị trường hàng hóa nói riêng, hay thị trường phái sinh nói chung, nhà đầu tư có thể tùy ý lựa chọn việc khởi tạo vị thế bằng lệnh mua nếu kỳ vọng giá tăng, và mở lệnh bán nếu kỳ vọng giá giảm mà không bắt buộc phải thực hiện lệnh đầu tiên là mua. Việc tất toán bù trừ để tất toán vị thế cũng vô cùng dễ dàng và minh bạch, để đóng vị thế mua chúng ta sử dụng lệnh bán, và ngược lại khi sở hữu vị thế bán, chúng ta sử dụng lệnh mua để tất toán. Lệnh mua và bán trên thực tế không có sự khác nhau về cách vận hành, và yêu cầu cùng một mức ký quỹ ban đầu để có thể mở vị thế một hợp đồng hàng hóa xác định.
Bên cạnh đó, với thời gian giao dịch 24h từ thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần, cùng với danh mục đa dạng hơn 40 mặt hàng; giao dịch hàng hóa mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư, cho phép họ khám phá và đầu tư vào nhiều loại hàng hóa khác nhau mà không bị hạn chế về thời gian.
Vì xuất phát điểm là thị trường giao dịch hàng hóa vật chất, nên giao dịch hàng hóa trên các Sở Giao dịch có tính kế thừa đó là sử dụng “ký quỹ” hay đó chính là đặt cọc trong giao dịch hợp đồng song phương để đảm bảo nghĩa vụ của các bên. Do đó, với đặc tính này giao dịch sẽ có tính đòn bẩy cao; sự ưu việt này một mặt hỗ trợ các nhà phòng vệ giá có thể phòng vệ cả lô hàng có giá trị rất cao bằng số tiền nhỏ hơn hay các nhà đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn với số tiền ban đầu nhỏ. Ở đây sẽ có những ý kiến cho rằng lợi nhuận và cơ hội đầu tư kiếm lời luôn đi kèm với những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, thực tế mức ký quỹ hay đòn bẩy của thị trường giao dịch hàng hóa luôn ở mức phù hợp và hầu như không đưa ra một mức đòn bẩy hấp dẫn nhưng bất lợi cho tài khoản giao dịch. Điều này khiến cho thị trường giao dịch hàng hóa luôn là thị trường giao dịch chuyên nghiệp lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau và tương đương 40-60% quy mô thị trường chứng khoán.
Điều khuyến nghị là thị trường giao dịch hàng hóa không hoàn toàn dễ dàng, có thể đặt ra thách thức đối mặt với nhiều rủi ro yêu cầu nhà đầu tư cần thời gian tìm hiểu kĩ càng cũng như nâng cao năng lực, kinh nghiệm giao dịch, tư duy tổng hợp, kỹ năng quản trị rủi ro.
Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã có một chặng đường dài từ những bước đầu khó khăn cho đến sự phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Với sự quản lý sát sao của Bộ Công Thương cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, thị trường hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển trong tương lai, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam.