Xác định hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch luôn là khâu quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch của một địa phương, các cấp chính quyền huyện Hạ Lang chú trọng và quan tâm với mục tiêu thúc đẩy du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Hạ Lang từ lâu được biết đến là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, hội tụ nhiều di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh xếp hạng như: Bia Chùa Sùng Phúc, xóm Huyền Du (thị trấn Thanh Nhật); đền thờ Tô Thị, động Dơi, xóm Đồng Tâm (Đồng Loan). Nhiều điểm du lịch, ngắm cảnh, các điểm công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng như đại dương cổ, lục địa cổ (Minh Long), đồn Pháp (Lý Quốc), tay cuộn (An Lạc); cây nghiến di sản, đồi hoa dã quỳ, đường hoa trạng nguyên, đồi Phả Khả, đồi cỏ cháy, thành nhà Mạc, làng đá cổ, Ngườm Khu, thác Hoa Thoong Lài, hang Khò Mạ, Ngườm Riềm… Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, các làn điệu lượn Then, Phong slư, Nài Sli, Hà Lều có tính giáo dục cao, kết nối cộng đồng bền vững.
Nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp không khói thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, huyện Hạ Lang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp và mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá về công tác quy hoạch, quản lý phát triển du lịch phù hợp với phát triển từng vùng theo hướng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ, thương mại, du lịch một cách đồng bộ. Huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông phục vụ tham quan du lịch tại các điểm di sản địa chất; xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh; mở các lớp dân ca, dân vũ tại địa phương; đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, dịch vụ, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm có quy mô sản xuất phù hợp; đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Chú trọng duy tu, bảo dưỡng, quản lý sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phục vụ du lịch. Huyện lập dự án đầu tư 8 tỷ đồng tu bổ, phục hồi di tích đền thờ Tô Thị Hoạn (Đồng Loan); tu bổ, tôn tạo chùa Sùng Phúc (thị trấn Thanh Nhật). Hiện nay, huyện tập trung xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm (Đồng Loan) gắn với làng hoa trạng nguyên và động Dơi.
Hằng năm, huyện tổ chức lễ hội Chùa Sùng Phúc vào ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến trẩy hội vui xuân, qua đó, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về con người và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cùng những danh thắng, di tích lịch sử văn hóa của quê hương Hạ Lang. Chú trọng tuyên truyền về hiệu quả kinh tế đối với phát triển du lịch để nhân dân hiểu và mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Huyện triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo, trang thông tin điện tử của huyện; tổ chức cuộc thi Hạ Lang vẻ đẹp tiềm ẩn trên trang facebook… Đây là phương pháp truyền thông mới thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu. Đến nay, huyện có điểm di tích chùa Sùng Phúc (thị trấn Thanh Nhật) triển khai số hóa dữ liệu. Chủ tịch UBND xã Lý Quốc Nông Văn Lưu cho biết: Trước đây, ngoài dân địa phương ít biết đến thác Hoa Thoong Lài. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những năm trở lại đây, hình ảnh dòng thác trong xanh, ôn hòa chảy, xung quanh là núi non hùng vĩ lan truyền trên các trang mạng xã hội, thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách và được ví như “thác Bản Giốc thu nhỏ” của Cao Bằng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, huyện Hạ Lang xác định tập trung triển khai xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại chỗ thông qua khách du lịch; thực hiện các chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; tiếp tục triển khai số hóa các điểm đến du lịch của huyện nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho du lịch Hạ Lang; chú trọng liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch và các khu, điểm du lịch để phát triển sản phẩm, tăng tính hấp dẫn, thu hút, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch.
Lam Giang