Cao Bằng là vùng đất cổ xưa, nơi sinh sống của 8 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Lô Lô. Nơi đây được xem là một trong những trung tâm của bộ tộc người Tày cổ; miền đất Cao Bằng được xem là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích, các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt các cảnh quan đá vôi là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng gồm: các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông, hồ, hang ngầm… phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới Bắc Việt Nam. Cùng với đó là rất nhiều loại di sản địa chất khác như: hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.
Cao Bằng có bề dày lịch sử văn hóa với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế: hang Pác Bó, suối Lê-nin, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Mắt Thần núi, Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén…
Để phát triển du lịch dựa trên những giá trị cốt lõi của Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO ghi nhận, tỉnh đã và đang ưu tiên khai thác 4 tuyến du lịch chủ đạo: Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay”, tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, tuyến du lịch “Một thời hoa lửa”.
Với 4 tuyến du lịch chính này, du khách đến với Cao Bằng được khám phá, trải nghiệm và chiêm ngưỡng toàn cảnh những đặc trưng cơ bản về Công viên địa chất và trải nghiệm văn hóa bản địa. Bên cạnh cảnh quan hữu tình, du khách được đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian và thưởng thức những món ẩm thực nổi tiếng của các dân tộc, địa phương… Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh mây trời sẽ khiến du khách muốn sống chậm lại để được tận hưởng những giây phút quý giá nơi đây.
Do kiến tạo địa chất hàng trăm triệu năm, non nước Cao Bằng là xứ sở của hang động, theo thống kê chưa đầy đủ, Cao Bằng có tới 200 hang động, trong đó 50 hang động có thể khai thác du lịch. Đến với “xứ sở thần tiên” nơi đây là đến với những hang động lớn có thạch nhũ đá đẹp thuộc loại nhất nhì Việt Nam như: Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang)… hay quần thể hồ – sông hang ngầm Thang Hen (Trùng Khánh). Đặc biệt, hành trình này đưa du khách khám phá thác Bản Giốc (Trùng Khánh), được công nhận là 1 trong 12 thác nước lớn đẹp nhất trên thế giới và là khu vực “lõi” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vẫn còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi. Trên tuyến này, du khách được ngắm Mắt Thần núi (Quảng Hòa), đồi cỏ Ba Quáng (Hạ Lang), hang Ngườm Pục (Thạch An)…
Để đẩy mạnh hình ảnh non nước Cao Bằng đến với du khách trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh ban hành, thực hiện nhiều chương trình trọng tâm, đột phá để phát triển du lịch. Đặc biệt năm 2024, tỉnh nỗ lực khởi công giai đoạn I Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và là “đòn bẩy” để du lịch Cao Bằng cất cánh.
Cùng với đó, quan tâm xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ số ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và tập trung khai thác phục vụ du lịch. Tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội lịch sử, văn hóa truyền thống, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: tổ chức trại sáng tác nhiếp ảnh, đăng cai triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc; triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực phía Bắc thu hút đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống và phát triển du lịch địa phương.
Việt Hùng
Nguồn: https://baocaobang.vn/du-lich-mien-non-nuoc-ngan-nam-3172543.html