BÀI CUỐI: THÚC ĐẨY DU LỊCH PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định số 82/NQ-CP (Nghị quyết số 82) ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển du lịch. Với những quyết sách đúng đắn, du lịch Cao Bằng đang có những bứt phá mới và tiếp tục tạo đà phát triển du lịch theo hướng bền vững, đặc sắc, khác biệt; tăng cường liên kết khu vực; hướng tới xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong thị trường nước.
Cơ hội mới phát triển du lịch bền vững
Với tiềm năng, lợi thế giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế, văn hóa lịch sử lâu đời được bảo tồn và phát huy tạo đà bứt phá mới của Cao Bằng sau nửa nhiệm kỳ Đai hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và tiếp tục được Tỉnh ủy khơi dậy mở ra cơ hội mới phát triển theo hướng bền vững.
Thực hiện định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử; di sản Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tiếp tục triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2030”; ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025”; đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng”. Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch và truyền thông quảng bá du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động trên 700 đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ tại các xã, thị trấn, vừa bảo tồn giá trị di sản văn hóa đặc sắc, vừa phục vụ phát triển du lịch. Hiện có Đội văn nghệ Dá Hai Thông Huề, Đội văn nghệ hát Then – đàn tính xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), Đội văn nghệ Pác Bó (Hà Quảng)… phục vụ phát triển du lịch.
Theo chuyên gia tư vấn quốc tế Guy Martini, Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO: Mục tiêu của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, khuyến nghị các nước thành viên CVĐC vừa bảo vệ di sản địa chất, tài nguyên môi trường, đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa bản địa; cổ vũ, động viên các nghệ nhân, bà con các dân tộc thiểu số tích cực gìn giữ, lưu truyền các loại hình văn hóa truyền thống trong đời sống gắn với phát triển du lịch để tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt. Qua đó, vừa tạo sinh kế cho bà con, nâng cao nhận thức xây dựng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Cao Bằng đã từng bước làm tốt nhiệm vụ này và tiếp tục khai thác phát huy để tiến tới xây dựng du lịch đặc sắc và có thương hiệu bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh thu hút một số nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án du lịch, gồm: Dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái Suối Củn (Hòa An); Dự án đầu tư Di tích danh lam thắng cảnh Động Dơi (Hạ Lang); Dự án đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng khu vực Mắt Thần núi, thác Bản Giốc (Trùng Khánh); Dự án điểm dừng chân Phúc Sen (Quảng Hòa)… Triển khai thực hiện 4 dự án đầu tư của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Hỗ trợ khảo sát đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tập trung triển khai lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng một số điểm có tiềm năng du lịch tại các huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Thạch An, Hạ Lang…
Định hướng khuyến khích các nhà đầu tư, người dân đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển du lịch… Với chủ trương tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản CVĐC gắn với phát triển du lịch sẽ mở ra cơ hội mới cho du lịch Cao Bằng phát triển theo hướng bền vững; tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ; nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch bền vững; tăng cường sự hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa, lịch sử của địa phương đối với du khách.
Tăng cường kết nối du lịch trong nước và quốc tế
Những định hướng quyết sách của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đều đặt trong tổng thể quy hoạch, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông hướng đến sự phát triển gắn với liên kết với các tỉnh Đông Bắc và trong nước. Kết nối du lịch Cao Bằng với Bắc Kạn – Thái Nguyên, Tuyên Quang – Hà Giang – Lạng Sơn – Quảng Ninh thông xuống kết nối với Hà Nội, Hải Phòng…
Tiếp tục xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) – CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Cao Bằng) sẽ là sản phẩm độc đáo, đặc sắc kết nối chưa từng có trên thế giới giữa 2 CVĐC Toàn cầu UNESCO. Xúc tiến hình thành tuyến du lịch Ba Bể (Bắc Kạn) – Nguyên Bình – Bảo Lạc – Bảo Lâm (Cao Bằng) – Mèo Vạc – Đồng Văn (Hà Giang). Thời gian tới, các tuyến đường kết nối giữa các huyện giáp ranh Hà Giang, Bắc Kạn, đường cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quốc lộ 1… sẽ kết nối huyện tiềm năng du lịch Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An với các tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, mở ra tiềm năng liên kết khai thác nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch công đồng, du lịch CVĐC, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng, làng nghề, du lịch đỏ…
Từ điều kiện, lợi thế về biên giới; khai thác và phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để vận hành thí điểm đón khách du lịch vào khu cảnh quan thác Bản Giốc (Trùng Khánh) theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Tăng cường trao đổi, thống nhất về các nội dung ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Việt Nam) và CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp – Phượng Sơn (Trung Quốc). Xúc tiến trao đổi CVĐC Toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan) về tiềm năng hợp tác giữa 2 CVĐC. Tích cực tham gia các hoạt động mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và Hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các CVĐC tiềm năng và CVĐC Toàn cầu UNESCO để kết nối thúc đẩy hợp tác về các mặt kinh tế – xã hội giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia CVĐC trên thế giới. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của Khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng.
Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: Từ chủ trương, quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng, Hiệp hội Du lịch tỉnh coi đây là cơ hội mới nên tích cực tuyên truyền, vận động hội viên là đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng; công ty, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, làm mới đa dạng sản phẩm du lịch bắt nhịp với định hướng của UBND tỉnh, các cấp, sở, ngành để Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc sắc phát triển theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Với chủ trương trên, Tinh ủy đưa ra hướng đi chiến lược tạo điều kiện phát triển du lịch theo hướng liên kết liên tỉnh, liên vùng, liên khu vực trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết là cơ hội để du lịch Cao Bằng tháo gỡ điểm nghẽn, kết nối với các tỉnh trong nước, quốc tế; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số du lịch để du lịch Cao Bằng đến gần hơn, nhanh hơn với du khách. Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chỉ đạo Cao Bằng cần tiên phong trong triển khai các nền tảng phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, có nhiều công ty, doanh nghiệp, du khách chọn Cao Bằng là “điểm đến” trong hành trình tuor du lịch vùng Đông Bắc.
Với những quyết sách, định hướng đúng đắn của Ban Chỉ đạo các chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, du lịch Cao Bằng không chỉ bứt phá vượt lên khó khăn mà đang mở ra nhiều cơ hội mới, phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
BÀI 1: PHỤC HỒI MẠNH MẼ TỪ QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN
BÀI 2: CAO BẰNG TRONG TOP NHỮNG ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN
Trường Hà