Sáng 17/1, đoàn công tác của IFAD do ông Ambrosio Barros, Giám đốc quốc gia IFAD làm trưởng đoàn có buổi làm việc với 2 tỉnh: Cao Bằng và Bắc Kạn, thống nhất kết quả nhiệm vụ của chuyến công tác vừa qua và lộ trình thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; UBND huyện Nguyên Bình.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được thông tin về kết quả nhiệm vụ của đoàn Chuyên gia Quốc tế IFAD về xây dựng đề cương ban đầu dự án xin cấp vốn theo chu kỳ cấp vốn IFAD 13. Theo thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, từ ngày 6 – 17/1/2025, Đoàn chuyên gia Quốc tế IFAD đã làm việc với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã của hai tỉnh nhằm khảo sát xác định ý tưởng Dự án: Giải pháp thuận theo tự nhiên vì sự phát triển nông thôn bao trùm (NBSP).
Tiến hành khảo sát thực địa sơ bộ, thăm trực tiếp một số hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng rủi ro thiên tai và có tỷ lệ hộ nghèo cao tại hai tỉnh; thăm các mô hình như: trồng cây khôi tía và trà hoa vàng dưới tán rừng tại xã Đồng Phúc, du lịch sinh thái tại hồ Ba Bể, huyện Ba Bể; du lịch nông nghiệp dựa trên vườn cây ăn quả tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; xen canh quế và hồi, cơ sở chế biến tinh dầu quế tại xã Yên Cư; nhóm đồng sở thích chế biến hồi và dược liệu tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới; công tác quản lý rừng tại Vườn Quốc gia Phia Oắc; mô hình trồng cây khôi tía và thảo quả dưới tán rừng tại xã Thanh Công; sản xuất giấy bản từ cây trúc tại xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình. Đoàn cũng tham vấn với UBND xã, huyện, các nhóm phụ nữ và cộng đồng được khảo sát.
Các lĩnh vực trọng tâm mà dự án sẽ tập trung đầu tư gồm: Giao đất, giao rừng; chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon; cơ sở hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu; các thực hành quản lý rừng bền vững; mô hình nông lâm kết hợp; can thiệp sinh kế; thông tin khí hậu – Hệ thống cảnh báo sớm và công nghệ số…
Dự án sẽ được nhận nguồn vốn không hoàn lại với tổng trị giá tối đa 10 triệu USD từ GEF, tùy thuộc vào phân bổ STAR cho Việt Nam trong giai đoạn GEF-9 (từ 7/2026 – 6/2030). Thiết kế chi tiết của dự án sẽ hướng đến việc phối hợp với các khoản đầu tư đang triển khai hoặc dự kiến được triển khai, nhằm gia tăng tính đồng bộ và hiệu quả phối hợp. Mối liên kết giữa nguồn vốn vay và vốn tài trợ không hoàn lại, lịch trình phê duyệt dự án của GEF và IFAD cũng sẽ được làm rõ trong quá trình thiết kế chi tiết, dự kiến thực hiện vào tháng 5/2025.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về những định hướng thuộc lĩnh vực của ngành và địa phương trong giai đoạn 2026 – 2030, đề xuất những ý tưởng hay, sát với nhu cầu tình hình thực tế của 2 tỉnh; thảo luận về nhu cầu vốn vay, vốn ODA không hoàn lại, trần nợ công, khả năng đối ứng ngân sách của địa phương trong thời gian tới. 2 tỉnh cơ bản đồng tình, nhất trí cao với các kết quả của phát triển ý tưởng dự án và tham vấn của đoàn công tác. Đồng thời, nhận thức được rằng quá trình phát triển đề xuất chi tiết sẽ tiếp tục được tiến hành và có thể dẫn đến một số thay đổi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy cho rằng: Những định hướng nội dung đề cương ban đầu và giải pháp thực hiện của đoàn công tác IFAD rất quan trọng trong quá trình định hướng, gợi mở cho các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu đề xuất nội dung chi tiết cụ thể hơn. Qua đó, giúp tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra những giải pháp đột phá trong công tác giảm nghèo, hỗ trợ đa dạng sinh kế cho người dân và giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững; góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo dễ bị tổn thương trong vùng dự án trên địa bàn hai tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thiết kế dự án, tỉnh đề nghị đoàn công tác tiếp tục tư vấn, định hướng xác định các mục tiêu, hoạt động của dự án đảm bảo phù hợp với khung chiến lược, kế hoạch của Quốc gia, của tỉnh và các địa phương trong vùng dự án. Các hoạt động của dự án được xác định đảm bảo tính khả thi cao. Tiếp tục vận động, bổ sung vốn viện trợ không hoàn lại hoặc thúc đẩy với các nhà tài trợ khác cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại theo đề xuất của tỉnh, góp phần tăng hiệu quả sử dụng khoản vay vốn của IFAD và tăng hiệu quả của dự án. Hai tỉnh cam kết, từ nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đồng hành cùng với IFAD thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình thiết kế dự án.
Tin tưởng rằng, kết quả của dự án sẽ tạo dấu ấn quan trọng để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người của 2 tỉnh đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, là điểm sáng trong quan hệ ngoại giao của địa phương với các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam.
An Lê
Nguồn: https://baocaobang.vn/doan-cong-tac-cua-ifad-lam-viec-voi-tinh-cao-bang-va-bac-kan-3174974.html