Cao Bằng, mảnh đất biên cương phía Đông Bắc Tổ quốc, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, vào những năm đầu thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam còn đang ở thời kỳ trứng nước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên Cao Bằng ra đời, là một trong số chi bộ được thành lập sớm nhất ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân trong tỉnh giành được những thành tích to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cả nước, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Với truyền thống yêu nước được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, từ khoảng cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tiếp nhận ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê-nin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, ở Cao Bằng xuất hiện các tổ chức yêu nước thu hút nhiều thanh niên yêu nước, tiến bộ tham gia. Nổi bật và có ảnh hưởng hơn cả là vai trò của đồng chí Hoàng Đình Giong, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc).
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu năm 1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày 1/4/1930, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An, đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu, kết nạp hai đồng chí Lê Đoàn Chu và Nông Văn Đô vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng, do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư Chi bộ. Sau khi được thành lập, Chi bộ làm nhiệm vụ như Ban Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cũng tại cuộc họp thành lập chi bộ, các đồng chí đề ra hai nhiệm vụ hàng đầu là: tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc và ở Thị xã; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống bắt phu vào ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo…
Sự kiện thành lập Chi bộ Nặm Lìn tạo nền móng vững chắc cho phong trào cách mạng và sự phát triển thành Đảng bộ Cao Bằng sau này. Sau cao trào cách mạng 1930 – 1931, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, phong trào cách mạng cả nước tạm thời lâm vào tình thế khó khăn. Riêng ở Cao Bằng, từ năm 1930 – 1935, từ một chi bộ đầu tiên ra đời, đến năm 1935 có 10 chi bộ hoạt động ở 5 địa phương (Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình) với trên 70 đồng chí đảng viên. Năm 1933, Đảng bộ Cao Bằng được công nhận do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư.
Trong thời kỳ 1930 – 1935, phong trào đấu tranh cách mạng của Cao Bằng từng bước phát triển, với sự ra đời của nhiều tổ chức quần chúng yêu nước. Cao Bằng trở thành cầu nối giữa Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Trong những năm 1936 – 1939, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Cũng trong thời kỳ này, hầu hết các châu trong tỉnh có cơ sở đảng, có các chi bộ hoạt động.
Đặc biệt, ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam – Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng. Người chọn Pác Bó để đặt “Đại bản doanh” và chọn tỉnh Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước với sự quả quyết: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”. Tại Pác Bó, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam; chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chuẩn bị các điều kiện khởi nghĩa vũ trang, củng cố và mở rộng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng… Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng hòa nhập vào dòng thác cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, giải phóng vùng biên giới rộng lớn phía Bắc trong đó có tỉnh Cao Bằng. Từ khi tỉnh được giải phóng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng ra sức thi đua sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, đặc biệt là cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống của quê hương cội nguồn cách mạng, xây dựng hậu phương vững mạnh, đóng góp sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cùng quân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1975 – 1985, sau khi đất nước thống nhất, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tháng 2/1979, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu kết thúc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực khôi phục kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Niềm tin trong giai đoạn cách mạng mới ngày càng được phát huy, trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, từ những đảng viên trung kiên, cốt cán đầu tiên, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc với hơn 59.603 đảng viên. 100% xóm có đảng viên và có chi bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là vấn đề nêu gương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; tổng vốn đầu tư toàn xã hội có bước tăng trưởng khá. Hạ tầng kinh tế – xã hội được cải thiện, các khu kinh tế cửa khẩu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội, thông tin, truyền thông phát triển theo hướng tăng về quy mô và nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu; 3 di tích: Khu di tích lịch sử Pác Bó, Khu di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo, Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đảng bộ tỉnh quyết tâm vượt khó thực hiện các dự án hạ tầng, đó chính là quyết tâm, khát vọng của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Tự hào với truyền thống lịch sử cách mạng, tiếp tục sự nghiệp của các bậc tiền nhân, các thế hệ cha ông đi trước, chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục vươn lên, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tự hào truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng.
Bế Dũng, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng
Nguồn tin: baocaobang.vn