Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 sẽ được tỉnh Đắk Nông tổ chức vào lúc 19h00, ngày 26/12/2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Theo kế hoạch, từ ngày 24-26/12, Đắk Nông sẽ tổ chức chuỗi sự kiện đặc sắc nhân dịp đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2, giai đoạn 2024-2027.
Lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, năm 2024 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển bền vững của Đắk Nông trong việc bảo tồn di sản địa chất và gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững. Sự kiện này cũng kỷ niệm 20 năm Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (2004 – 2024), với sự mở rộng mạnh mẽ từ 25 thành viên ban đầu lên 213 công viên tại 48 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2024.
Thông qua buổi lễ, giúp huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đến đầu tư trên lĩnh vực du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Hang động núi lửa C8, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông – ảnh Ngô Minh Phương.
Đây là lời khẳng định, ghi nhận nỗ lực, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Đắk Nông trong việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu. Đồng thời, vinh danh những giá trị về khoa học, địa chất, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Nông, khẳng định xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh.
Núi lửa Nâm kar, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông – ảnh Ngô Minh Phương.
Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7-2020; trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam sau Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Theo các nhà khoa học, Công viên địa chất Đắk Nông được trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và TP Gia Nghĩa; có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…
Miệng hang núi lửa C1, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông – ảnh Ngô Minh Phương.
Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm cách ngày nay, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất đã khiến khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan.
Hang động núi lửa C7, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông – ảnh Tôn Ngọc Bảo.
Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007…
Danh hiệu tái công nhận Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ khẳng định giá trị di sản của tỉnh mà còn thể hiện sự cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc tái thẩm định danh hiệu 4 năm một lần, do các chuyên gia UNESCO thực hiện, là thước đo giúp địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu. Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông chính là minh chứng tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Đắk Nông và UNESCO.
Vietnam.vn