Đến Cao Bằng, du khách không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, mà còn thu hút bởi những cọn nước bên dòng sông xanh biếc uốn lượn trải dài theo những cánh đồng màu mỡ. Cọn nước không chỉ lưu giữ tập quán canh tác đặc trưng của người vùng cao mà còn thể hiện nét văn hóa của Non nước Cao Bằng.
Cọn nước làm từ tre nứa, gỗ, với 3 thành phần chính: trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Trục giữa làm bằng gỗ lõi có độ bền và có khả năng chịu nước tốt. Nang cọn làm bằng những cây tre, vầu thân thẳng, nhỏ và phải là loại vầu già đủ tuổi. Tùy theo độ cao thấp, mực nước của nơi cần dẫn nước đến và nguồn nước mà người làm cọn sẽ quyết định kích thước của cọn thông qua độ dài ngắn của nang cọn. Những cây tre, vầu được buộc chéo liên tiếp từ 2 phía trục tạo hình chữ V với tâm là trục. Ở những đầu cây tre, người ta buộc một vòng tre hoặc dây rừng có độ bền, đảm bảo khi cọn vận hành những cây tre, vầu không bị xê dịch. Tiếp đến ở những đầu cây tre, buộc những cánh quạt nước được làm từ những cây tre, nứa già chẻ mỏng rồi đan lại thành từng tấm phên hình chữ nhật. Các cánh quạt này khi nước chảy tác động vào sẽ tạo ra lực đẩy làm cọn quay.
Cuối cùng, quan trọng nhất đối với cọn nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọn. Mỗi ống đựng nước thường được buộc kèm chéo theo mỗi cánh quạt nước và phải buộc tất cả các ống cùng nghiêng một độ nhất định thì mới khiến cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước. Việc sử dụng cọn nước để đưa nước từ dưới sông, suối lên ruộng cao khắc phục được việc phải tốn nhiều công sức đắp phai, đào mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao.
Không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của người dân địa phương trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, không biết từ bao giờ, hình ảnh cọn nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đã trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư các chương trình, dự án của Nhà nước, thêm nhiều tuyến mương được xây dựng để tưới nước cho các cánh đồng. Vì vậy, còn ít nơi duy trì cách lấy nước thủ công từ những chiếc cọn nước thô sơ; nhưng cọn nước vẫn hữu ích và giá trị bởi vẫn có những khu ruộng bậc thang nơi núi cao hay những mảnh ruộng nơi xa, không tập trung, không thể làm mương thủy lợi để dẫn nước đến. Bên cạnh những cọn nước vẫn miệt mài đưa nước từ sông, suối tưới đẫm các chân ruộng, nhiều con nước được lưu giữ như một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh quê hương. Hình ảnh cọn nước quay chậm rãi ngày đêm không nghỉ hòa cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tạo cho cảnh sắc một vẻ đẹp hiền hòa và nên thơ, trữ tình hơn.
Trong hành trình tham quan, khám phá các vùng đất ở Cao Bằng, dọc theo lũy tre xanh hai bờ sông, suối, du khách sẽ chứng kiến cọn nước ngày ngày mải miết đưa nước về ruộng, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của miền non nước; vòng quay của cọn nước quay chầm chậm, đều đều, tạo ra tiếng nước róc rách vui tai bên những khúc sông, con suối. Trong đó, Trùng Khánh là một trong những địa phương có nhiều cọn nước nhất. Di dọc dòng sông Quây Sơn, dễ dàng bắt gặp những chiếc cọn nước ngày đêm hoạt động. Cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, hình ảnh những chiếc cọn nước góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của xứ sở thần tiên.
Vì là một nét văn hóa độc đáo của miền Non nước Cao Bằng nên những năm gần đây, tỉnh cho xây dựng một số mô hình cọn nước phục vụ nhu cầu checkin của du khách như: Khu vực cọn nước tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), Khu di tích lịch sử Kim Đồng thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), mô hình cọn nước truyền thống ở Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố)…
Minh Đức