Du lịch – dịch vụ được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đã và đang tập trung phát triển du lịch – dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu và công viên địa chất (CVĐC). Tuy nhiên, để du lịch của tỉnh phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế, cần quan tâm bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng về số lượng, năng lực.
Những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử, văn hóa bản sắc đã góp phần tích cực trong việc khuyến khích thúc đẩy phát triển các mô hình, loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách, gắn với việc phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Nhiều dự án, khu, điểm du lịch dần định hình quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, hợp tác khai thác du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch cũng như kinh doanh dịch vụ du lịch có sự thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng. Sản phẩm du lịch dần được định hình và đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng về vai trò cũng như trách nhiệm với du lịch cũng chuyển biến rõ rệt.
Trùng Khánh là huyện biên giới, vùng đất có bề dày lịch sử và gìn giữ được nét văn hóa độc đáo của dân tộc, được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình, khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch, là một trong những huyện nằm trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Đến nay, hạ tầng du lịch được cải thiện, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, thu hút du khách thập phương đến tham quan du lịch, khám phá vùng đất, con người, văn hóa, đặc biệt là phong tục, tập quán của người dân bản địa. Toàn huyện có 52 cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) được thẩm định và công nhận loại, hạng cho cơ sở đạt tiêu chuẩn. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Trùng Khánh đạt 972.441 lượt, tăng 422.356 lượt so với năm 2022, năm 2024, tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.000.000 lượt.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La cho biết: Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của địa phương, công tác quản lý nhà nước về du lịch được huyện quan tâm, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về du lịch đến các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Hiện nay, từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho đến các xã, thị trấn không có cán bộ, công chức nào được đào tạo chuyên môn về du lịch. Do đó, năng lực một số cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Do không được đào tạo về du lịch nên nhận thức của một số hộ dân về trách nhiệm chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động du lịch còn hạn chế, kinh doanh mang tính tự phát, không bền vững. Năm 2025, huyện tập trung bồi dưỡng, đạo tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững, trong những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được tỉnh, ngành văn hóa quan tâm, tăng cường nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu tỉnh tăng cường bổ sung cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về du lịch tham gia hoạt động quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách ở các đơn vị trong tỉnh và các huyện tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý và chuyên môn về du lịch. Hằng năm, Sở chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng về du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, Thành phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch, đối tác CVĐC…
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, tập huấn về công tác báo cáo thống kê du lịch, hướng dẫn phương pháp kê khai thuế, mở sổ sách kế toán đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, bồi dưỡng chế biến món ăn; đào tạo tiếng Anh du lịch cơ bản… cho hơn 800 người. Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, khảo sát thực địa nâng cao năng lực, tuyên truyền giáo dục về CVĐC cho các cá nhân, cộng đồng dân cư, các đối tác CVĐC. Một số huyện chủ động kinh phí, phối hợp với Sở mời giảng viên đến tập huấn. Thông qua các lớp tập huấn người dân hiểu và thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch.
Với những nỗ lực đó, số lượng và chất lượng nhân lực du lịch của tỉnh từng bước được cải thiện. Thời điểm tháng 2/2020, tổng số nhân lực du lịch toàn tỉnh 2.028 người (tăng 121,7% so với năm 2016), số qua đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch 512 người, chiếm 25,2%/tổng số nhân lực, số có khả năng sử dụng ngoại ngữ 71 người, chiếm 3,5%/tổng số nhân lực, tăng 80,5% so với 2016. Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 41 hướng dẫn viên, trong đó 14 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 27 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 8 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 6.200 lao động du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp khoảng 2.480 người, lao động gián tiếp khoảng 3.720 người. Số lượng lao động du lịch đã được đào tạo chuyên môn về du lịch là 976 người, chiếm khoảng 15,7% tổng số lao động ngành du lịch toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn chung số lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch của tỉnh còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Phần lớn lực lượng lao động của ngành là lao động phổ thông và số ít được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách du lịch. Đội ngũ quản lý du lịch các cấp còn thiếu, đặc biệt ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, đa số chưa qua đào tạo nghiệp vụ nên tham mưu chuyên môn chưa sâu và hiệu quả, công tác phối hợp chưa thường xuyên. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, người dân địa phương về du lịch còn chưa cao, nhất là tại các vùng có tiềm năng phát triển. Nguyên nhân do ý thức của chính các đơn vị sử dụng lao động và người lao động chưa cao, chưa coi trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa có ý thức tự học hỏi và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn tại các cơ sở đào tạo do thu nhập còn thấp, chưa đáp ứng được mức sống và nhu cầu tối thiểu của họ. Sự phối hợp tuyên truyền giữa các ban ngành liên quan chưa thường xuyên do chưa được chú trọng đầy đủ về tính thiết thực và hiệu quả của công tác đào tạo nhân lực.
Về quản lý nhà nước, qua thống kê, các huyện không có nhân lực về du lịch công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin. Hiện nay, những người làm du lịch đều từ các chuyên ngành khác. Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong giai đoạn đến năm 2025 đào tạo 15 thạc sỹ về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, thời gian vừa qua đã đào tạo được 8 người nhưng không đào tạo về du lịch, do nhiều nguyên nhân: nhu cầu, nguyện vọng, các cơ sở đào tạo không đủ về số lượng thạc sĩ nên không chiêu sinh.
Ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2022 đạt trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2021; năm 2023 đạt 1,9 triệu lượt, tăng 72% so với năm 2022; năm 2024 do ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 nên lượng khách du lịch giảm so với năm trước song vẫn khá cao, ước đạt khoảng 1,8 triệu lượt khách. Bởi vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đảm bảo cả về lượng và chất là giải pháp quan trọng để du lịch Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững.
Xuân Thương
Nguồn: https://baocaobang.vn/chu-dong-phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-3174151.html