Chu Đức Việt đến Cao Bằng từ ngày 6 đến 9/9, ấn tượng trước vẻ đẹp lúc chớm thu, nương lúa chuyển vàng bên các khối núi đá vôi, thác nước…
Chu Đức Việt (35 tuổi, Hà Nội), cùng nhóm bạn vừa có chuyến đi cắm trại, ngắm mùa thu Cao Bằng. Việt di chuyển bằng ôtô 7 chỗ, điểm đến đầu tiên là thác Bản Giốc, nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Thác Bản Giốc cùng với Khu di tích lịch sử quốc gia Pác Bó hay động Ngườm Ngao là những điểm đến nổi tiếng không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng.
Bản Giốc là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng đến cả trăm mét. Tháng 9-10 là thời gian lý tưởng khám phá thác Bản Giốc khi các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Cùng lúc này, nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích với ánh nắng soi rọi trong tiết thu, mang đến khung cảnh huyền ảo.
Việt cho biết bị mê cảnh sắc thiên nhiên non nước Cao Bằng, trong đó có thung lũng lúa xanh ngả chín vàng bao quanh bởi các khối núi, đoạn qua thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh.
Sương giăng huyền ảo lúc hoàng hôn trên các khối núi nhấp nhô phía xa tạo nên khung cảnh “như thật như mơ” tại Trà Lĩnh. “Tôi thích thưởng thức từng khoảnh khắc mà thiên nhiên ban tặng, khung cảnh trên chỉ gặp ở vùng cao miền Bắc nên không thể không chụp lại”, anh nói.
Những ô ruộng xanh lẫn vàng bao quanh khu dân cư Trà Lĩnh, nơi có các dân tộc chủ yếu như Tày, Nùng sinh sống. Vào mùa lúa chín, Trà Lĩnh, thị trấn Trùng Khánh, các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê hay Phong Nặm được xem như “thiên đường du lịch”, luôn thu hút nhiều khách tham quan và các nhiếp ảnh gia tới ngắm cảnh, chụp hình.
Một khối núi đá vôi sừng sững “bắc lên trời” ở Trà Lĩnh. “Trên địa bàn thị trấn có nhiều ngọn núi đá vôi, sơn thủy hữu tình”, Việt nói và cho biết thật tuyệt vời khi cùng nhóm bạn vượt đoạn đèo Mã Phục qua Trà Lĩnh. Đèo Mã Phục như trường thành án ngữ cung đường độc đạo lên các huyện miền núi Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang.
Từ đèo Mã Phục, Việt rẽ theo hướng tỉnh lộ 205 về hướng Trà Lĩnh để đến núi Thủng (tên theo tiếng Tày là Phja Piót) cùng hồ Nậm Chá. Nằm tại xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, Trà Lĩnh, Núi Thủng (người địa phương gọi là Mắt Thần Núi) là một kiệt tác được tạo nên trong quá trình kiến tạo địa chất hàng chục triệu năm trước. Mỗi mùa quanh hồ Nặm Chá mang vẻ đẹp riêng, nước rút đi để lại các gò đất và dòng suối nhỏ uốn lượn bao bọc lấy thảm cỏ ngả vàng. Tại đây, Việt gặp cảnh người dân đi lấy củi, chăn thả gia súc, còn du khách cắm trại, trekking và đi xe đạp ngắm cảnh.
Mây vờn, len lỏi qua thung lũng gần khu vực núi Thủng mang hơi thở mùa thu, níu chân du khách.
Chu Đức Việt (trái) cùng nhóm bạn check-in bằng flycam trên đoạn đường tới xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Hành trình dự kiến hạ trại đón trăng rằm Trung thu. Nhưng khi cả nhóm khi đến Bảo Lạc thì trời mưa to. “Trước khi lên lịch tới Cao Bằng, chúng tôi đã xem thời tiết nên tâm lý cũng không ảnh hưởng khi mưa, không thể hạ trại”, anh nói.
Mỗi nơi ở Cao Bằng mang vẻ đẹp riêng. Ngoài ngắm cảnh đẹp, Việt còn tìm hiểu nếp sống văn hóa của người địa phương, chẳng hạn như người dân tộc Sán Chỉ ở Bảo Lạc thì ở nhà sàn, thiết kế theo kiểu 4 mái vững chắc và bên dưới nuôi nhốt gia súc. Người Sán Chỉ làm ruộng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và làm các nghề thủ công như đan lát, rèn; các sản phẩm sản xuất mang tính tự cung tự cấp.
Mùa thu Bảo Lạc cũng là lúc lúa bắt đầu chín, ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang xếp tầng ở xã Hưng Đạo.
Nếp nhà yên bình trên ruộng bậc thang tại xã Hưng Đạo. Ngoài ngắm lúa, dọc đường đi trên Bảo Lạc, Việt còn thấy nhiều hàng trúc sào hai bên đường và tò mò quay lại video cảnh người nông dân thu hoạch trúc.
Việt cho hay thời điểm đi không cắm trại được, tuy nhiên cóTuần văn hóa – Chợ tình phong lưu Bảo Lạc nên cả nhóm quyết định tìm khách sạn ở gần trung tâm Bảo Lạc để thuận tiện ra thăm quan phiên chợ này. “Kết thúc chuyến đi tham quan mùa thu Cao Bằng với nhiều kỷ niệm, đặc sản thì có nhiều nhưng tôi chọn mua thạch đen về làm quà”, anh chia sẻ.
Huỳnh Phương
Ảnh, video: Chu Đức Việt